Đang đi trên đường cùng con gái, tôi giật mình khựng lại vài giây vì sự cáu kỉnh của một bà mẹ khi cậu con trai chừng 3 tuổi mè nheo đòi mua bóng bay. Cậu bé luôn miệng “ứ ừ, mẹ không yêu con...” khi bị mẹ từ chối và vùng vằng khiến chiếc xe chao đảo. Giờ tan tầm, đông nghẹt xe, bà mẹ lại càng cáu giận, to tiếng với con hơn chỉ để cậu con yên lặng…
Không phải lần đầu tiên tôi chứng kiến bà mẹ trẻ nạt nộ con với những lời lẽ… hết cả yêu thương, khi xưng “mày, tao” với đứa con nhỏ. Tôi còn bắt gặp tình huống oái oăm hơn, bà mẹ xếp quần áo, đồ chơi vào balo đi học của con và đem luôn ra đầu ngõ, để “tống khứ” một cô bé “cứng đầu” ra khỏi nhà! Tất nhiên, hành động trên chỉ là dọa dẫm để cô bé chịu nghe lời và “để tốt cho con”...
Đó là những cách hành xử dễ thấy hàng ngày ở nhiều gia đình đối với trẻ nhỏ, chỉ vì yêu thương con nên các ông bố, bà mẹ đã quát nạt, đánh mắng để con ngoan hơn và nghe lời hơn.
Nhân danh tình yêu, người lớn chúng ta đã vô tình làm tổn thương trẻ con, khiến trẻ con hoang mang, lo lắng. Bởi chúng buộc phải ngoan, nghe lời, đạt thành tích cao trong học tập... mới nhận được yêu thương từ cha, mẹ hay thầy cô và thậm chí là bất cứ người lớn nào xung quanh.
Một tình yêu thương “có điều kiện” được áp đặt từ người lớn lên trẻ em, những mầm non còn yếu đuối, non nớt và phải dựa dẫm vào người lớn trong những năm tháng đầu đời. Chính những tình yêu thương sai cách ấy hằn sâu trong tâm trí các em, để rồi về sau này, khi lớn lên, những “đứa trẻ” năm xưa ấy lại áp dụng cho con, cháu mình... Vì vậy, rất cần phải ngăn chặn, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người lớn trong cách yêu thương trẻ em để bảo vệ và chăm sóc các em đúng nghĩa.
Có thể, hầu hết những người lớn có hành xử như vậy với trẻ đều không nghĩ rằng, mình đang chưa thể hiện tình yêu thương đúng cách. Họ cho rằng, những hành xử ấy đều nhằm mục đích tốt cho trẻ. Và tất nhiên, những người lớn ấy cần phải thay đổi nhận thức, hành vi của mình để có thể yêu thương trẻ một cách đúng đắn nhất, không bằng hành vi bạo lực cả về tinh thần lẫn thể chất trong giáo dục, uốn nắn trẻ.
Trên mạng xã hội có “hot trend” thế này: “Nói yêu người ta mà lại quạu với người ta thế à? Như thế là không yêu người ta rồi còn gì...”. “Hot trend” này còn được gắn với những hình ảnh những em bé hay thú cưng ngộ nghĩnh phản ứng lại khi bị la rầy, hay bị phạt từ người lớn.
Một chuyên gia tâm lý đã nói rằng: Thông điệp về giá trị con người là một trong những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nó sẽ hạnh phúc, cố gắng hơn khi được tin, được tôn trọng, được có giá trị trong mắt người lớn. Chính lòng tin sẽ ngăn cản người ta nói dối. Cảm nhận về giá trị bản thân giúp người ta dừng lại trước mọi quyết định tiêu cực, là cái neo để bám vào khi bế tắc.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Giữa chúng ta - người lớn và trẻ em - không nên chỉ có gắt gỏng, bực mình, khó chịu. Giữa chúng ta, thực chất luôn có và phải có tình yêu. Một tình yêu vô điều kiện”.
Như vậy, khi người lớn truyền đi thông điệp yêu thương đến đứa trẻ, nó sẽ có giá trị tác động lâu dài, nền tảng đến cả cuộc đời, thậm chí là tạo thành nếp nghĩ, từ đó lưu truyền cho các thế hệ kế tiếp.
Tháng 6, tháng hành động vì trẻ em, chính quyền các cấp, các ngành đang nỗ lực lan truyền thông điệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhiều hoạt động, chương trình chăm lo cho trẻ em yếu thế, trẻ em ở cộng đồng cũng đang được triển khai. Hơn thế, chúng ta hãy cùng truyền đi thông điệp về yêu thương đúng cách, yêu thương vô điều kiện đối với trẻ em, để không còn những vụ bạo hành trẻ em ở các gia đình, không còn đòn roi ở lớp với những học trò chưa ngoan.
Chúng ta, mỗi người lớn hãy cùng trao cho trẻ một môi trường đầy tình yêu thương vô điều kiện. Hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cả gia đình, cộng đồng xã hội một cách đúng đắn, có hiểu biết để trẻ được trưởng thành vững chãi.
CHÂU GIANG