Nghĩ về "chợ 4.0"
Chuyển đổi số và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là đề tài được nhiều người dân TP.Vũng Tàu bàn luận, chia sẻ dạo gần đây. Không có gì lạ khi thành phố biển đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số, mô hình chợ 4.0 trên địa bàn.
Sôi nổi hơn cả có lẽ là các bà nội trợ và chị em tiểu thương các chợ phường 7, phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ Vũng Tàu, những nơi được thành phố triển khai mô hình chợ 4.0 thông qua hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money mà trọng tâm là việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Với hơn 70% dân số có điện thoại thông minh, TP.Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn hoàn thành việc chuyển đổi số; đến cuối năm 2022 phấn đấu đạt 100% CBCC, người lao động thuộc chính quyền thành phố có tài khoản thanh toán điện tử hoặc ví điện tử, 65-70% dân số thành phố từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, hướng tới nền thương mại không dùng tiền mặt, nâng cao hiện đại hóa trong buôn bán lẻ, góp phần xây dựng TP.Vũng Tàu trở thành đô thị thông minh toàn diện.
Một lãnh đạo phường ở TP.Vũng Tàu nói vui mà rất chí lý rằng, phụ nữ chiếm hơn một nửa trong xã hội, phần lớn lại giữ vai trò “tay hòm chìa khoá” của gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nữ giới mà trước hết là các bà nội trợ và chị em tiểu thương thì mô hình chợ 4.0 nhất định sẽ sớm “phủ sóng” TP.Vũng Tàu. Một khi người bán lẫn người mua quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt thì việc áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn thành phố sẽ thuận lợi dễ dàng.
Thế nhưng, có một thực tế là ở những nơi đang triển khai mô hình chợ 4.0, tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn cao. Dù nhiều tiểu thương đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, còn khách hàng đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm thanh toán trên điện thoại, số người thanh toán bằng cách quét mã QR vẫn chưa nhiều.
Những “trục trặc” mà các chợ 4.0 thí điểm ở TP.Vũng Tàu gặp phải không phải là cá biệt. Tại TP.Đà Nẵng, sau hơn 2 tuần ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ Cồn và chợ Hàn, việc thanh toán bằng cách quét mã qua Viettel Money vẫn chưa như mong đợi. Nhiều tỉnh, thành khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Với hơn 300 tiện ích và mạng lưới điểm giao dịch ngày càng mở rộng, Viettel Money cho thấy là một hệ sinh thái thương mại, tài chính số với nhiều tính năng và lợi thế cạnh tranh ưu việt so với các phương thức thanh toán khác trên thị trường. Rào cản chính đến từ thói quen thích trả bằng tiền mặt của khách hàng và để thay đổi thói quen này cần phải có thời gian.
Mô hình “chợ 4.0” là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, tiêu biểu cho lối tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch. Hơn thế nữa, nó còn tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Để chợ 4.0 sớm hình thành, điều cần làm vào lúc này là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt - nhất là vấn đề an toàn thông tin, bảo mật của dịch vụ tài chính số để người dùng yên tâm, cởi mở hơn với các ứng dụng hỗ trợ thanh toán.
Để thói quen không dùng tiền mặt ăn sâu trong tiềm thức của người dân, cần thiết có thể xây dựng, triển khai một chương trình giáo dục cộng đồng về thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Tư duy truyền thống “cầm tiền trong tay là an toàn nhất” chính là nguyên nhân khiến một bộ phận người dân chưa cảm thấy an tâm khi đến với chợ 4.0.
Các ứng dụng thanh toán cần mang đến nhiều tiện ích, giúp việc thanh toán đơn giản, dễ dàng và an toàn hơn cho cả người bán lẫn người mua đúng với phương châm “Nhận tiền hàng nhanh - Dễ dàng nạp rút”. Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng đi chợ tham gia trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt từ ứng dụng Viettel Money cũng là cách thu hút người dân đến với chợ 4.0 một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, góp phần chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
NGUYỄN TRIỆU HẢI