Kiềm chế giá xăng dầu
“Xăng lại tăng giá. Vật giá leo thang quá. Chả cá bữa trước chỉ 180 ngàn đồng, nay đã tăng lên 240 ngàn đồng/kg; rau bó xôi từ 30 ngàn lên 50 ngàn đồng/kg; các loại cá cũng tăng 20 ngàn đồng/kg…”, bà xã than thở trong bữa cơm tối, khi vừa nghe tin xăng tiếp tục tăng giá chiều 1/6.
Xăng, dầu tăng giá không chỉ là nỗi lo của các bà nội trợ mà còn là nỗi muộn phiền của hầu hết mọi người dân, bởi mặt hàng này có liên quan đến đầu vào của nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, khiến cho giá các mặt hàng tiêu dùng tăng lên.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, hiện nay đã lên 31.573 đồng/lít (với xăng RON95-III), mức cao nhất trong lịch sử. Ảnh hưởng trực tiếp nhất từ việc giá xăng dầu tăng là giá lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu tăng theo. Trong khi đó, lương và thu nhập của đại đa số người lao động, người dân không tăng. Để đối phó, người tiêu dùng chỉ còn cách thực hiện biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Điều đó có nghĩa là khẩu phần ăn sẽ bớt đi chút thịt cá, còn những chi tiêu chưa cần thiết như mua sắm quần áo, phương tiện giải trí phải tạm gác lại.
Giá xăng dầu tăng cao cùng hệ lụy của nó và vấn đề kiềm chế giá xăng dầu đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập trong phần thảo luận tại hội trường của Kỳ họp thứ Ba, ngày 1 và 2/6 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, việc giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích: Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Tình trạng tăng giá không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt, mà đã lan sang vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm… tác động thành chuỗi, dây chuyền khiến các chi phí, dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021 - gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến 2021, tạo “sức ép lạm phát” vào những tháng cuối năm”, bà Nguyễn Thị Yến cảnh báo.
Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, khi giá cả thế giới tăng, chúng ta bị ảnh hưởng. Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 30% xăng dầu, nghĩa là nguồn cung và giá xăng dầu trong nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thế giới.
Trước việc giá xăng dầu liên tục tăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này và có hiệu lực từ ngày 1/4/2022. Tuy nhiên, dự báo giá xăng dầu còn tiếp tục tăng và ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Do vậy, việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Do vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022. Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do giá dầu thô tăng, trong khi Việt Nam cũng xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này. Hơn nữa, với việc giá xăng dầu được bình ổn, các hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện phát triển, hoạt động tiêu dùng được kích cầu sẽ mang lại nguồn thu khác từ thuế cho ngân sách.
NGUYỄN ĐỨC