.

Chồng đánh vợ sẽ phải "lên phường"

Cập nhật: 19:41, 03/06/2022 (GMT+7)

Trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được cử tri cả nước quan tâm là ý kiến thảo luận tại tổ, tại hội trường của các đại biểu Quốc hội về Dự án sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ).

Kể từ năm 2008 đến nay, sau khi Luật Phòng chống BLGĐ có hiệu lực, hoạt động phòng chống BLGĐ đã thu được nhiều kết quả tích cực, song BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải tại nhiều địa phương. Nhiều vụ việc đau lòng xuất hiện với những hành vi có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL tổng hợp từ báo cáo của các địa phương giai đoạn 2009-2021, cả nước có tới 324.641 vụ BLGĐ.

Thời gian qua, BLGĐ xảy ra mọi lúc, mọi nơi, xét trên bình diện giới tính: 90% nạn nhân của BLGĐ là nữ giới, nhưng cũng có đến 10% nam giới là nạn nhân của các bà vợ. BLGĐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: Đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội. Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực trong đời sống cộng đồng, dẫn đến sự bất ổn trong đời sống hàng ngày tại nhiều địa phương.

BLGĐ không chỉ là sự ứng xử bằng “nắm đấm” của người chồng đối với vợ, mà đôi khi còn là sự khủng bố tinh thần như lăng mạ hoặc im lặng kiểu “chiến tranh lạnh” với nhau. Thực tế, trong xã hội hiện nay, điều dễ nhận thấy là bạo lực thể xác thường diễn ra với những gia đình có học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè, cờ bạc. Ngược lại, bạo lực tinh thần thường nảy sinh trong gia đình viên chức, trí thức như một “mặt trái của nền kinh tế thị trường”.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng chống BLGĐ hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu những quy định để xử lý các hành vi BLGĐ chưa đến mức bị xử lý về vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật Phòng chống BLGĐ năm 2008 chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã, phường trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi BLGĐ…

Việc sử đổi Luật Phòng chống BLGĐ là thực sự cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác này theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, trong đó có vai trò quan trọng của UBND cấp xã và công an cùng cấp, cũng như vai trò của gia đình trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội.

Cụ thể, dự thảo lần này bổ sung quy định mới về “buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình” và quy định “yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc BLGĐ” (các Điều 31, 32 dự thảo). Việc bổ sung quy định mới này nhằm khắc phục bất cập khi người có hành vi BLGĐ không chấp hành chấm dứt hành vi bạo lực khi có yêu cầu. Mặt khác, việc yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an cấp xã, phường còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi BLGĐ tiếp diễn; vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ, vừa bảo vệ người bị bạo hành.

Một điểm mới khác của dự thảo quy định, người có hành vi BLGĐ được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian thực hiện cấm tiếp xúc, mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo hành có yêu cầu. Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi quy định, chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra BLGĐ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày, khi người bị bạo hành yêu cầu và hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực.

Từ những hoạt động thực tiễn tại các địa phương, những ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này sẽ là cơ sở để Dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi) hoàn thiện và sớm được thông qua; trao thêm thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã và công an cùng cấp trong việc phòng chống BLGĐ, tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đau lòng do BLGĐ xảy ra trong đời sống xã hội.

HOÀNG LÊ

.
.
.