.

Trong văn có sử

Cập nhật: 19:48, 05/06/2022 (GMT+7)

Mấy hôm nay, con tôi chuẩn bị thi lớp 10. Tôi giúp con ôn lại một ít kiến thức văn. 

Lướt qua tựa đề tác phẩm: Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Mùa Xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Sang Thu (Hữu Thỉnh)... Tác phẩm nào cũng hay và khó. Nhưng tôi dừng lại lâu nhất ở tác phẩm Đồng chí (Chính Hữu).

Có một chút gợi nhớ, một chút kỷ niệm về bài thơ này. Đó là tác phẩm đầu tiên tôi được nghe thầy giảng - người mà sau này trở thành thầy chủ nhiệm lớp tôi trong suốt các năm học THPT (ngày đó, trường tôi tuyển sinh từ lớp 9 trở lên).

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...

“Đoạn mở đầu là mạch tự sự, kể về xuất thân của người lính, họ là những  nông dân xa lạ, đến từ mọi miền quê. Người ở vùng nước mặn đồng chua, người ở nơi đất cằn sỏi đá. Tình đồng chí bắt đầu không hẹn mà gặp. Nhưng kỳ thực, có một cuộc hẹn, không được tác giả đề cập đến, nhưng là cuộc hẹn của lịch sử”, thầy gợi mở.

Rồi thầy bắt đầu nói về cuộc hẹn lịch sử. Bài thơ ra đời năm 1948, đó là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), khi nhà thơ tham gia chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông. Đó là một cuộc hẹn lớn, theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.

Thầy căn dặn chúng tôi, học văn, ngoài chuyện mẫn cảm với nghệ thuật, cần sự hiểu biết về hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm. Bởi vì không có cái tự sinh ra. Không có tình cảm riêng tư nào trong văn chương mà không có cảm xúc của thời đại. Cho nên, nói trong văn có sử là vì vậy!

Cũng từ đó, chúng tôi luôn được học những giờ giảng văn chứa đầy những câu chuyện lịch sử... Và cũng từ đó, trong chúng tôi có nhiều người yêu môn học lịch sử, muốn được học nhiều về lịch sử.

Bây giờ, có thể mọi chuyện đã khác. Môn sử không còn được học sinh yêu thích nhiều, lựa chọn nhiều. Và thậm chí, nó đang được cân nhắc giản lược, sẽ không còn bắt buộc giảng dạy ở bậc THPT.

Nếu tương lai của môn sử là như vậy, thì tôi cho rằng giá trị của môn học này đang bị xem nhẹ. Hoặc môn sử - từ trước đến nay đã bị làm méo mó bởi sự gò bó, ôm đồm trong chương trình SGK. Tôi không biết, một học sinh không có kiến thức về lịch sử, sẽ giải mã như thế nào về sự ra đời của phong trào Thơ Mới (1930-1945), về sự biến chuyển của văn học nước ta trong từng giai đoạn. Và nhiều vấn đề khác nữa, không chỉ có văn học...

Nhưng cũng có một dòng suy nghĩ khác. Tôi có một người quen, học chuyên Anh từ cấp 2. Giờ đang là tiến sĩ hàng đầu về quan hệ quốc tế. Nói về kiến thức lịch sử và sự uyên thâm về các mối quan hệ quốc tế ở anh, thì khỏi phải bàn. Nền tảng kiến thức đó, anh học được không phải từ thời THPT mà đều từ sự nghiên cứu sau này. Có nghĩa là, việc tiếp cận với kiến thức lịch sử, các mối quan hệ lịch sử, vấn đề của lịch sử, không nhất thiết phải bắt đầu quá sớm.

Vì lý do đó, chuyện môn sử là môn tự chọn hay bắt buộc vẫn đang trong một cuộc tranh luận chưa dứt. Thực tế, việc đòi hỏi hiểu lịch sử ở độ tuổi quá sớm như bậc học tiểu học hay THCS là rất khó. Phải đến bậc THPT, khi bề dày kiến thức của một học sinh cơ bản hoàn thiện, thì việc tiếp cận với môn sử mới dễ dàng. Ở cấp tiểu học, hay THCS chỉ phù hợp để gieo vào các em những chuyện kể lịch sử, góp phần hình thành cảm xúc về lịch sử. 

Phải chăng, cách tiếp cận với môn sử đã gặp vấn đề ngay trong SGK, vì lượng kiến thức quá tải với học sinh ngay từ đầu, lúc các em chưa đủ năng lực tiếp nhận. Bất cứ cái gì cũng vậy. Không thể hiểu, không thể tiếp nhận, đừng mong chờ sẽ có đam mê.

Tự chọn hay bắt buộc (?). Tôi nghiêng về một phương án cân bằng, như người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập: vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn. 

Vì nếu không bắt buộc sẽ dẫn đến nguy cơ học sinh bỏ hoàn toàn môn học lịch sử. Ngành giáo dục ở một số quốc gia đã có bài học cho vấn đề này. Hàn Quốc, năm 2005, đưa lịch sử vào nhóm môn tự chọn. Để rồi sau đó hơn 10 năm, quốc gia này chua xót nhận ra sai lầm và đưa môn sử trở về môn bắt buộc vì có quá nửa học sinh không biết đến chiến tranh Triều Tiên là gì. 

Phương pháp giảng dạy môn sử, nói cho cùng đây là vấn đề phải được cởi trói hoàn toàn. Học sử, không phải là học những sự kiện tiểu tiết và bắt buộc tất cả mọi học sinh phải lưu nhớ những chi tiết. Điều quan trọng là học nền tảng kiến thức tổng hợp, là học về  khoa học lịch sử, là phương pháp tư duy lịch sử. 

HOÀNG NAM

.
.
.