Giảm áp lực trước mùa thi
Sau nhiều lần khám, siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận con gái tôi bị rối loạn tiêu hóa khi cháu kêu đau bụng âm ỉ suốt 2 ngày qua. “Mọi chỉ số đều bình thường, có lẽ là do cháu quá căng thẳng. Rất nhiều trường hợp cùng độ tuổi của cháu đến khám do chịu áp lực khi chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp sắp tới”, bác sĩ nói.
Cũng là thông tin từ bác sĩ, thời gian gần đây nhiều HS đã phải tư vấn, thăm khám do mất ngủ, đau đầu, đau bụng. Thậm chí có HS bị buồn chán, trầm cảm, rối loạn tâm lý phải điều trị.
Mùa tuyển sinh năm nay, toàn tỉnh có 17.688 HS lớp 9. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập 11.902 HS. Với số lượng này, tính cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vẫn khá cao, tạo không ít áp lực cho HS. Như vậy sẽ có hơn 30% HS không có cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập.
Mặc dù chúng tôi luôn nói với cháu rằng, có rất nhiều lựa chọn trước ngưỡng cửa THPT. Nếu không vào được trường công lập, con có thể học trường tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Nói là vậy, nhưng trên thực tế các cháu vẫn mang nặng tâm lý bắt buộc phải vào được trường công lập. Ngoài ra, sự kỳ vọng của các phụ huynh, thầy cô giáo cũng “đặt lên vai” HS gánh nặng về tâm lý trước kỳ thi này.
Có một nguyên nhân là hiện nay công tác phân luồng tại các trường THCS cũng chưa được chú trọng, khiến nhiều HS chưa hiểu rõ về chất lượng đào tạo, cũng như các cơ hội khác, nếu học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Trong khi đó, vai trò của việc phân luồng học sinh sau THCS lại là giải pháp căn cơ, giúp nâng cao chất lượng các bậc học tiếp theo, cùng chất lượng nguồn nhân lực. Và không chỉ có vào lớp 10 THPT công lập là con đường duy nhất. Ngoài trường dân lập thì tại trường dạy nghề hay trung tâm giáo dục nghề nghiệp, HS vừa được học văn hóa, vừa được học nghề theo sở trường, đồng thời vẫn có cơ hội học liên thông đại học. Nghĩa là, vẫn còn rất nhiều cánh cửa rộng mở cho HS tốt nghiệp THCS.
Hơn bao giờ hết, lúc này các thầy cô giáo cần thường xuyên động viên, tư vấn tâm lý cho HS, giúp các dễ dàng bước qua tâm lý căng thẳng cuối năm học. Với HS sức học yếu, thầy cô giáo cũng cần đưa ra lời khuyên với phụ huynh không nên gây áp lực cho cho con phải thi vào trường THPT công lập, mà có thể lựa chọn học nghề phù hợp nguyện vọng và khả năng.
Ở góc độ từ gia đình, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thể chất của con, giúp con phân bổ thời gian học, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý, kết hợp với một chế độ ăn uống đầy đủ. Đồng thời, thay đổi cách nghĩ, nhìn nhận đúng năng lực của con để đặt ra các mục tiêu phù hợp, không quá căng thẳng, áp lực với các con. Đồng hành cùng con, tạo cho con tâm lý thoải mái, giúp con có những định hướng đúng đắn khi chọn trường và theo đuổi đam mê, mục tiêu trong tương lai.
NGÔ GIA