.

Trẻ em phải được yêu thương và bảo vệ

Cập nhật: 19:49, 31/05/2022 (GMT+7)

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em ngay trong chính ngôi nhà của mình trong thời gian gần đây, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, là hồi chuông báo động về sự gia tăng nghiêm trọng tình trạng bạo lực trẻ em. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng của ngay chính cha mẹ, người thân của mình. Đã đến lúc, đây không còn chuyện riêng trong mỗi gia đình, mà là vấn đề cần được xã hội quan tâm, lên tiếng và bảo vệ.

Thông tin từ Cục Trẻ em cho biết, số lượng cung cấp thông tin trẻ bị xâm hại, bạo lực ngày càng tăng, chỉ tính riêng năm 2021, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 507.800 cuộc gọi.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới 2.000 vụ trẻ bị xâm hại trong năm 2021. Riêng quý I năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện gần 450 vụ với gần 500 đối tượng, xâm hại hơn 450 trẻ em, trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em hơn 300 vụ/317 đối tượng/309 trẻ em (chiếm 69,3%).

Điều đáng nói là, thời gian qua công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được chính quyền, các hội, nhóm, đoàn thể và trường học tích cực tuyên truyền. Đặc biệt, với hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành có thể khẳng định, không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1990.

Luật Trẻ em năm 2016 cũng đưa ra những quy định rất chi tiết về các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động… Điều 12 của Luật Trẻ em năm 2016 quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển"…

Thế nhưng, vì sao vẫn có hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại thể chất lẫn tinh thần trẻ em liên tục xảy ra? Rất nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột, nhưng nhiều người chứng kiến không lên tiếng tố cáo. Bạo hành và xâm hại trẻ em đang trở nên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng.

Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương. Do đó, trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Trước hết là trách nhiệm từ mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội.

Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 diễn ra từ 1/6 đến 30/6 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Chúng ta kỳ vọng, thông qua sự kiện này, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sẽ quyết liệt triển khai các chương trình hành động cụ thể, bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em, để trẻ em được sống an toàn và được chăm sóc một cách tốt nhất. Cần có hành động quyết liệt hơn để chấm dứt vấn nạn bạo lực gia đình, nhất là xâm hại đến quyền trẻ em.

NGÔ GIA

.
.
.