Hơn 20 năm buôn bán theo kiểu truyền thống, bà Phố - tiểu thương chợ Chí Linh không nghĩ đến gian hàng trái cây của mình lại xuất hiện trên zalo, facebook mỗi ngày. Ban đầu nhờ có sự trợ giúp của con gái, nhưng sau hơn một tháng thì giờ đây bà Phố rất rành rẽ trong việc chụp hình các loại trái cây, viết content quảng bá trên các nhóm, fanpage “chợ mạng”.
Thậm chí, mùa hè này, hàng trăm ký trái cây như sầu riêng, măng cụt còn được khách hàng đặt mua, nhờ bà Phố đóng từng thùng hàng gửi làm quà cho người thân tận Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội… Khách hàng đặt giỏ trái cây đi biếu cũng được bà chăm chút cẩn thận, kỹ lưỡng và không quên “chụp hình” lại để quảng bá.
“Nếu chỉ ngồi bán ở sạp tại chợ thì mỗi ngày có chưa đầy chục khách mua, trái cây thường xuyên bị hư hỏng vì ế, không có khách mua. Nhưng với việc bán online thì số lượng trái cây nhập về đã gấp ba so với trước, lượng khách hàng cũng tăng cao. Tới đây tôi sẽ liên kết các ứng dụng phần mềm chuyên về giao hàng như Grab Express, AhaMove… để tiện lợi trong việc vận chuyển trái cây cho khách hàng nữa”, bà Phố cho hay.
Không riêng gì bà Phố, nhiều tiểu thương cho biết muốn trụ lại với chợ truyền thống thì không có cách nào khác buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh, tiếp cận thị trường, đặc biệt là trong xu thế chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp mọi lĩnh vực hiện nay.
Cách bán hàng kiểu cũ ra sạp mở quầy và chờ khách đến hay các văn hóa nói thách, trả giá, cân thiếu... đã không thể tồn tại trên thị trường. Không chỉ phải biết livestream, quảng cáo, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà mà tiểu thương còn phải biết đến thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách chuyển khoản, quét mã QR...
Điều quan trọng nữa là, tiểu thương cần phải bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao được sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường. Đồng thời, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng khi đến với chợ truyền thống.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030 của Chính phủ với quan điểm là phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi DN, hộ sản xuất kinh doanh thành một DN số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. Mục tiêu là đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.
Như vậy, các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng để đạt mục tiêu này, việc gia tăng các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về chợ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quản lý, phục vụ hoạt động của chợ truyền thống là một trong các yêu cầu cấp thiết.
Đương nhiên, trong quá trình chuyển đổi số tại các chợ truyền thống, chắc chắc tiểu thương không thể tự mình làm được mà cần có vai trò của ban quản lý chợ, chính quyền địa phương cùng chung tay, xây dựng chợ thành nơi mua sắm phù hợp với thói quen mới, văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế.
NGÔ GIA