Nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch
Từ ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Nhiều quy định về nhập cảnh, kiểm dịch đã được gỡ bỏ theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế đến Việt Nam.
Sau khoảng 2 năm bị hạn chế hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, ngành du lịch đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN phải giải thể, đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Người dân và du khách nước ngoài bị hạn chế đi lại do chính phủ siết chặt quản lý nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hiện nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam đã trở thành một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 98,7% và mũi 3 đạt 38,4%; trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%.
Đó là những tiền đề quan trọng để Chính phủ quyết định mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Ngoài việc khôi phục chính sách miễn thị thực cho công dân một số nước trên thế giới, Việt Nam còn bỏ quy định xét nghiệm và cách ly đối với du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Theo đó, du khách chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính là có thể đi lại, tham quan, không cần chứng nhận đã tiêm vắc xin và không phải cách ly như trước. Trong khi đó, người dân trong nước cũng được đi lại tự do.
Sau thời gian dài bị kìm nén bởi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tham quan, du lịch của khách nội địa và quốc tế là rất cao. Nhu cầu ấy được ví như cái lò xo bị dồn nén đã lâu, khi có cơ hội là sẽ bật tung mạnh mẽ, bùng nổ, như một làn sóng.
Những ngày qua, nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về việc chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch đã được tổ chức từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, khu vực và địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc gặp về mở cửa du lịch do Bộ VH-TT-DL cùng Bộ Ngoại giao tổ chức tối 15/3: “Chúng ta không chỉ mở cửa du lịch mà còn mở cửa giao lưu, giao thương quốc tế từ 15/3 như trước dịch COVID-19, với tinh thần không phân biệt khách quốc tế với người Việt trên phương diện chống dịch.
Tuy nhiên, nhu cầu, tâm lý du lịch của du khách sau 2 năm đại dịch đã thay đổi. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch phải nghiên cứu kỹ lưỡng để có định hướng xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của du khách. Nhiều chuyên gia du lịch đã chỉ ra rằng, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, an toàn, tìm về khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, ít tiếp xúc đông người đang được đông đảo du khách lựa chọn. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng phải làm mới mình bằng những sản phẩm, dịch vụ mới, phù hợp trong trạng thái bình thường mới để cạnh tranh với các điểm đến khác trên thế giới và trong khu vực.
Song song đó, công tác quảng bá du lịch lúc này cũng rất quan trọng. Trong đó, nội dung cần phát đi thông điệp du lịch về một hình ảnh mới của Việt Nam sau ngày mở cửa; vừa đề cao vẻ đẹp điểm đến vừa nhấn mạnh thêm Việt Nam là điểm đến an toàn, không chỉ về an ninh mà còn là an toàn dịch bệnh.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn được biết tới là một điểm đến an toàn và một số cơ sở lưu trú trở thành cơ sở cách ly tự nguyện có thu phí. Khi các quy định về kiểm soát dịch được nới lỏng, ngành du lịch đã từng bước phục hồi, nhất là từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, hoạt động du lịch ngày càng sôi động trở lại. Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế gần thị trường khách du lịch khu vực Đông và Tây Nam Bộ, thuận lợi về giao thông, hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi và nhiều bãi tắm, điểm tham quan hấp dẫn, hứa hẹn là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian thí điểm đón khách du lịch và phục vụ khách cách ly tự nguyện, các DN du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều cơ hội để đón đầu làn sóng du lịch sau đại dịch. Đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường du lịch trong và ngoài nước.
NGUYỄN ĐỨC