Chống "đứt gãy" cung ứng xăng dầu
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 diễn ra sáng 16/3 đã trở thành tâm điểm của dư luận khi các nội dung xoay quanh giá xăng dầu, dự trữ xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã “được” một phen vất vả trong suốt buổi chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã làm rõ một vấn đề khiến cho giá xăng dầu liên tục leo cao và khan hiếm, dù nguồn dự trữ quốc gia đã được tính đến nhằm bảo đảm cung ứng cho thị trường. Đó là: “Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các DN, nhất là DN đầu mối. Đây là cơ chế rõ ràng chúng tôi thấy bất hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các DN đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc của mình hay không, trong khi cũng là xăng dầu ấy, cũng để ở kho ấy thì đây thực sự là một “ẩn số”. “Chúng tôi nghĩ nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các DN đầu mối và DN phân phối thì chắc chắn sẽ tốt", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cũng tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ủng hộ đề xuất của các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công thương về việc cần có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia bằng các tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ của DN bằng các kho do DN quản lý. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta cần phải chủ động và “không được để mất nguồn cung xăng dầu”, có như vậy mới tránh được tình trạng bị động, thất thường do lệ thuộc nguồn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động.
Trên thực tế, giá xăng dầu có thể điều chỉnh được một phần bởi các chính sách về thuế, phí, quỹ bình ổn. Riêng nguồn dự trữ, nếu Chính phủ không chủ động có hệ thống kho riêng như các đại biểu đã phân tích và người đứng đầu Bộ Công thương đã nhìn nhận, sẽ khó lòng bảo đảm nguồn cung ổn định trong các tình huống bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng ngoại nhập. Chưa kể, Chính phủ chỉ có thể điều tiết giá cả, nguồn cung khi chủ động được nguồn dự trữ. Và ở thời điểm này, tuy không phải là sớm, nhưng cũng chưa quá muộn để triển khai thực hiện các phương án về hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia.
Về dài hơi, chúng ta phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước với việc tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô nhằm giảm tỷ lệ nhập khẩu, giảm phụ thuộc nguồn nước ngoài về nguyên liệu dầu thô; tăng sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước tại các nhà máy hiện có thể (Dung Quất và Nghi Sơn), đồng thời xúc tiến nhanh dự án lọc dầu tại BR-VT.
Giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội; đặc biệt ngay trong thời điểm cả nước vừa trải qua 2 năm chống chọi với dịch COVID-19. Những tổn thương từ dịch bệnh còn chưa kịp chữa lành thì việc xăng dầu tăng giá quá cao như hiện tại sẽ càng làm chậm sự phục hồi kinh tế - xã hội. Vì vậy, trước mắt phải kéo giảm giá xăng dầu bằng các chính sách cắt giảm thuế, phí, sử dụng đến nguồn quỹ bình ổn để bù đắp; về lâu dài, phải chủ động nguồn cung trong nước, giảm sự lệ thuộc nhập khẩu để không rơi vào bị động, thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng như thời gian qua.
Những quyết sách được bàn thảo tại nghị trường của Quốc hội được cử tri đồng thuận cao và mong ngóng sớm được triển khai thực hiện, nhằm tránh những hệ lụy từ giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
HẠ VY