.

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

Cập nhật: 18:31, 14/03/2022 (GMT+7)

Trải qua hai năm chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua sắm không tiếp xúc của người dân ngày càng tăng cao và dường như đã trở thành thói quen thường nhật của nhiều người. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và mất vài phút để lựa chọn, đặt hàng, người tiêu dùng có thể hoàn thành các giao dịch mua bán qua mạng. Đơn giản và tiện lợi, tuy nhiên thực tế không ít trường hợp gặp phải rủi ro khi mua hàng kiểu này.

Chị Hoa, làm việc trong KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu chia sẻ, cách nay một tháng, chị có đặt mua một chiếc đầm hoa trên một trang facebook vì thấy màu sắc tươi tắn, kiểu may chít eo trông rất trẻ trung. Thế nhưng, khi nhận được sản phẩm do “shipper” chuyển đến, chiếc đầm mà chị đặt trên mạng từ màu sắc, kiểu dáng hoàn toàn khác. Chị Hoa đã liên hệ với người bán, họ cứ khăng khăng là gửi đúng mẫu. Rất bức xúc, nhưng phần vì không biết đi khiếu kiện ở đâu, phần thì ngại phiền hà, rắc rối nên chị Hoa đành phải bỏ chiếc đầm.

Việc mua phải hàng hoá kém chất lượng, nhưng chưa hiểu hết quyền lợi được bảo vệ, ngại khiếu nại và tâm lý “cho qua” như chị Hoa không phải là hiếm mà khá phổ biến hiện nay, nhất là với người mua hàng online.

Trong một cuộc khảo sát nghiên cứu mới đây do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện, có tới gần 90% số người tiêu dùng được khảo sát cho biết, họ không biết đến cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền người tiêu dùng và các quyền lợi của mình.

Vấn đề về tiêu dùng là rất phổ biến, liên quan tới chất lượng và nguồn gốc hàng hóa cũng như phong cách phục vụ. Thế nên, ngoài việc quan tâm tới thông tin về sản phẩm, dịch vụ, người tiêu dùng cũng nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản về quyền lợi, nghĩa vụ của mình cũng như cách khiếu nại khi quyền lợi đó bị xâm phạm. Và đặc biệt, người tiêu dùng đừng “ngại” lên tiếng mà phải mạnh dạn gõ cửa các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm trên các trang mạng, năm nay Bộ Công thương truyền tải thông điệp “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” với nhiều điểm mới nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đến người tiêu dùng. Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.

HÀ AN

.
.
.