Mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Ngày 15/3 tới đây, Việt Nam mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế. Đây là điều DN du lịch mong từng ngày, từng giờ để khởi động lại chương trình tour đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách du lịch ra nước ngoài.
Trong hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu. Nhiều DN du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng, nhân lực của ngành du lịch thiết hụt do người lao động chuyển sang làm các lĩnh vực khác.
Vì vậy, chỉ có thể khôi phục lại hoàn toàn hoạt động du lịch thì mới thu hút được lực lượng lao động quay trở lại và vực dậy ngành du lịch. Tuy nhiên việc mở lại hoàn toàn du lịch quốc tế cần được thực hiện theo hướng an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch phải được địa phương, DN du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. DN phải có các biện pháp hỗ trợ khách du lịch, bố trí phòng cách ly khách nhiễm bệnh tại cơ sở lưu trú theo quy định.
Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch. Bởi lẽ, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động rời khỏi ngành, nhiều nơi cơ sở vật chất, kỹ thuật xuống cấp. Do vậy, địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ DN du lịch trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch.
Đặc biệt muốn BR-VT thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến và lưu lại thời gian dài hơn sau khi hoạt động du lịch mở cửa lại hoàn toàn, thích ứng với tình hình mới, ngành du lịch tỉnh cần tăng cường sự hợp tác phát triển hệ thống sản phẩm có tính vùng, miền; tiếp tục phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng cho quy hoạch và phát triển nhiều loại hình du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch; đầu tư quy hoạch những khu vực công cộng phục vụ cho hoạt động bổ trợ du lịch như khu vui chơi, giải trí về đêm ven biển; nghiên cứu xây dựng một chiến lược marketing chung chi tiết và dài hạn, trong đó có sự tham gia của DN du lịch.
Đồng thời thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị-hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao.
Vấn đề “chặt chém” ở BR-VT thời gian qua cũng làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch của tỉnh. Vì vậy, ngành chức năng cần phản ứng nhanh, kịp thời trước các vụ việc xảy ra và phải xử lý mạnh tay nhằm tạo sự răn đe, hướng tới xây dựng hình ảnh du lịch BR-VT văn minh, an toàn, thân thiện.
PHƯƠNG ANH