.

Nghĩ về một thông điệp mới

Cập nhật: 19:27, 16/03/2022 (GMT+7)

Hơn 2 năm nay, ông Trần Văn Còn, một hộ nuôi thủy sản trên nhánh sông Mỏ Nhát đã bỏ nghề, lên bờ đi làm công nhân trong KCN Mỹ Xuân A2. “Nguồn nước bị ô nhiễm, rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp khiến năng suất ngày càng thấp. Cá tôm không phát triển được, thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản giảm nên tôi cũng không còn mặn mà với nghề”, ông Còn nói.

Ông Trần Văn Còn cũng như nhiều người nuôi trồng thủy sản khác trong gần chục năm trở lại đây luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm dẫn đến năm nào cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn khiến cho tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở… ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, các khu vực bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng nhất là khu vực Trại Nhái (TP.Vũng Tàu); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); Cửa Lấp (huyện Long Điền); Hồ Cốc - Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc)… Tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, chỉ tính trong vòng 15 năm qua, tốc độ sạt lở từ 2m/năm giờ đã lên đến 30m/năm, có những khu vực biển đã lấn hơn 80m.

Biến đổi khí hậu cũng đã đe dọa đến nguồn nước trong tỉnh. Nếu tính theo chuẩn cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất 2.500m3/người/năm là bền vững thì khả năng cung cấp của nguồn tài nguyên nước của BR-VT hiện chỉ đạt 35,7%.

Những con số thống kê trên cho thấy đã đến lúc cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm sinh kế bền vững của người dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thiên nhiên đang cần sự lên tiếng và hành động của mỗi cá nhân, cộng đồng DN, tổ chức chính trị-xã hội... Đơn giản nhất là từ chối, giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa và đồ nhựa dùng một lần; tắt, rút các thiết bị khi không sử dụng; trồng thêm một cây xanh, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn...

Chủ đề và cũng là thông điệp của Giờ Trái đất năm nay là “Kiến tạo tương lai Bây giờ hoặc không bao giờ” - một lần nữa nhấn mạnh vào tính cấp bách của việc cùng chung tay chống biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Thiên nhiên suy thoái và mất đa dạng sinh học đang cần được chú ý hơn bao giờ hết. Mỗi cá nhân cần nhận thức được rằng bảo vệ thiên nhiên là một giải pháp ngăn ngừa các thảm họa khí hậu và đại dịch.

Do đó, hãy hành động bằng những việc làm thiết thực để Giờ Trái Đất 2022 không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng, hay chỉ là một chiến dịch tắt điện trong 1 giờ đồng hồ.  Đó còn là thời điểm quan trọng để tất cả chúng ta đoàn kết và thể hiện quyết tâm của mình trong việc tạo ra một tương lai tích cực hơn cho thiên nhiên.

NGÔ GIA

 
.
.
.