Doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ, kích thích kinh tế
Cho đến thời điểm này, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với gói ngân sách lên tới 350 ngàn tỷ đồng theo được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã đi vào cuộc sống hơn 1 tháng. Đây được xem là "liều thuốc" hữu hiệu giúp DN phục hồi “sức khỏe” sau 2 năm kiệt quệ do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Khi DN phục hồi “sức khỏe”, đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt hơn. Điều này đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN và người dân, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua khó khăn, thử thách.
Với sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ và các Bộ ngành, một số chính sách đã ngay lập tức được đưa vào thực tế. Cụ thể, Nghị định 15/2022/NĐ-CP nhằm thể chế hóa chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và đưa ngay vào thực tiễn từ ngày 1/2/2022. Thuế VAT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp DN và nền kinh tế sớm phục hồi.
Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 với nhiều giải pháp hỗ trợ DN sẽ tiếp tục được triển khai. Đó là tăng tính thanh khoản cho DN; hỗ trợ tái cấu trúc DN; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN; nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho DN… Gói hỗ trợ cũng sẽ tập trung năng lực cạnh tranh cho các DNNVV; tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, có khoảng 60 ngàn tỷ đồng phục vụ cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hơn 53,1 ngàn tỷ đồng nhằm đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; 110 ngàn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh; khoảng 113,85 ngàn tỷ đồng được chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết và ngoài ra, khoảng 10 ngàn tỷ đồng ngoài ngân sách cũng sẽ được huy động.
Phản hồi từ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, họ rất mong đợi các chương trình, gói hỗ trợ nhanh chóng được giải ngân. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraina, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, việc đưa nhanh nguồn vốn này ra sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp họ có thêm cơ hội, nguồn lực để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho rất nhiều lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cộng đồng DN, an sinh xã hội, y tế và chuyển đổi số… Do đó, ở góc độ các địa phương, cần khẩn trương triển khai ngay nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời giám sát chặt chẽ để gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng được triển khai đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của nền kinh tế trong 2 năm 2022-2023.
NGÔ GIA