Tạm hoãn niềm vui sum họp

Thứ Ba, 04/01/2022, 20:57 [GMT+7]
In bài này
.

“Ba mẹ và các cô chú đều khỏe, các con cứ yên tâm, chờ khi nào dịch giã tạm ổn thì tính chuyện họp mặt gia đình sau nhé con…!”  - Mẹ tôi đã nói vậy với cậu em trai của tôi khi mấy chị em có ý định về thăm quê và lên kế hoạch tụ họp gia đình trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 vừa qua.

Cậu em tôi đã chững lại mấy giây, chạnh lòng buồn, khi bị từ chối việc đoàn tụ gia đình vào thời điểm năm mới từ chính mẹ tôi. “Bình thường mới” cả mấy tháng nay, ai cũng tiêm đủ liều vắc xin, thậm chí là tiêm đến cả mũi tăng cường, mà mẹ tôi còn cảnh giác quá cao độ…

Mẹ tôi phân tích rằng, ba mẹ và các cô chú ở quê đều đã lớn tuổi, lại mắc bệnh nền, thậm chí là ở giai đoạn nặng, không tiện cho các buổi đoàn viên, tụ tập đông người khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Có lẽ trăn trở của mẹ tôi cũng không phải là hiếm gặp, Tết Nguyên đán sắp đến, việc các gia đình đoàn viên sau thời gian dài xa cách là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, mong muốn đó rất nên được cân nhắc khi thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 dường như vẫn chưa hạ nhiệt, dù đã giảm số ca mắc ở một số tỉnh, thành, nhưng cũng lại bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành khác, số ca nặng, tử vong đang có xu hướng leo thang.

Điều mẹ tôi lo lắng là có cơ sở khi mà tại Hội thảo khoa học “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do COVID-19” diễn ra vào ngày 29/12 vừa qua, Bộ Y tế cho biết, có trên 84% ca COVID-19 tử vong từ 50 tuổi trở lên. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhấn mạnh, ở thời điểm này phải cấp thiết, quyết liệt bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi, mắc bệnh nền trước dịch COVID-19.

Vấn đề này càng trở nên nóng bỏng hơn khi chủng vi rút mới Omicron đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam, dù số ca ghi nhận đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Các nhà khoa học lại đang tiếp tục cảnh báo khi phát hiện thêm biến chủng hoàn toàn mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lẩn tránh vắc xin.

Việc “thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng, chống dịch hiệu quả” càng không cho phép chúng ta chủ quan, kể cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin hay được tiêm đến liều vắc xin tăng cường. Bởi qua phân tích số ca bệnh tử vong của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, người trên 65 tuổi chiếm 47,67% là người có bệnh nền; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 là 15,34%; nhóm từ 0- 17 tuổi là 0,42%. Như vậy, tỷ lệ người trên 50 tuổi tử vong do COVID-19 chiếm đến 84%.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, BR-VT đang triển khai điều trị F0 tại nhà. Vì vậy, bên cạnh tuân thủ 5K ở mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng nhỏ, đến toàn xã hội, các trạm y tế, Tổ COVID cộng đồng, cơ sở thu dung, điều trị rất cần thực hiện đầy đủ việc phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị để giảm nguy cơ trở nặng, tử vong của nhóm nguy cơ cao là người cao tuổi, bệnh nền.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh COVID-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí. Trong phân loại người bệnh cần tập trung vào nhóm người nguy cơ cao- những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp.

Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Không có ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta an toàn” đến thời điểm này vẫn rất thời sự để cảnh tỉnh cộng đồng không nên chủ quan, nhất là ở thời điểm cuối năm, dịp lễ Tết đang đến gần. Chúng ta không nên tụ tập đông người, tuân thủ nghiêm quy định 5K, tránh tối đa việc đem lại nguy cơ cho những người yếu thế về sức khỏe – chính là trẻ em, người cao tuổi, mắc bệnh nền… ở chung quanh chúng ta.

HẠ VY

 

;
.