Luôn 5K để sống chung an toàn

Thứ Ba, 28/12/2021, 00:21 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ Y tế tiếp tục bày tỏ quan ngại trước biến chủng Omicron có thể làm tình hình dịch diễn biến phức tạp trong thời gian tới ở nước ta. Trên thế giới, nhiều nước đã phải tính tới biện pháp siết chặt quản lý như cấm người không tiêm vắc xin đến một số địa điểm công cộng; hạn chế tập trung đông người, nhất là trong dịp đón Giáng sinh, mừng năm mới 2022...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng vi rút mới Omicron, vì vậy, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vắc xin, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng.

Thực tế cho thấy, ở trong nước, dù chưa phát hiện biến thể mới Omicron, nhưng tình hình cũng đang dần “nóng lên” với số ca nhiễm bệnh chưa giảm, thậm chí tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành. Riêng tại BR-VT, dù số ca mắc có giảm sâu so với vài tháng trước, nhưng khi các dịp lễ, Tết đang đến gần, nếu ý thức của cộng đồng không được đẩy mạnh, thành quả của công tác chống dịch có thể bị ảnh hưởng. Thậm chí, dịch có thể bùng phát trở lại, gây áp lực cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế.

BR-VT đang triển khai tiêm vắc xin liều bổ sung (mũi 3) cho lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi mắc bệnh nền, có nguy cơ cao; tiến tới tiêm mũi 3 toàn dân. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá cao nhằm tăng thêm tính bảo vệ trước dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới, trong đó có Omicron.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, tiêm vắc xin không ngăn chặn hoàn toàn được lây nhiễm, vắc xin chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong. Điều đó cũng có nghĩa, khi đã tiêm vắc xin, kể cả là liều tăng cường vẫn có một tỷ lệ trở nặng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, theo khuyến cáo từ chuyên gia y tế, nếu số ca mắc tăng gây quá tải các cơ sở điều trị, vẫn có thể dẫn đến tăng nguy cơ tử vong do không được theo dõi, điều trị kịp thời.

Thông tin dịch bệnh trong thời gian qua cho thấy, tình hình vẫn vô cùng phức tạp, khó lường. Chính quyền và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế đã và vẫn đang căng mình để vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa hạn chế tối đa ảnh hưởng, tránh làm đứt gãy tới sản xuất, kinh doanh, các hoạt động xã hội. Vì vậy, dù có được tiêm vắc xin, vẫn rất cần sự chủ động trong phòng, chống dịch của mỗi cá nhân, luôn tuân thủ 5K, tránh tụ tập đông người không cần thiết.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, “bình thường mới” đồng nghĩa với việc phải thay đổi trạng thái, thói quen để thích ứng an toàn với dịch bệnh, phải điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để “sống chung” với COVID-19. Bởi, như dự báo, tình hình dịch có thể còn kéo dài nhiều tháng, vài năm tới đây.

Những diễn biến của dịch khi phát sinh chủng vi rút mới càng đòi hỏi mỗi người cần phải tăng liều lượng “vắc xin ý thức”, tuyệt đối không buông thả, dễ dãi với bản thân, dẫn tới vi phạm các quy định phòng dịch. Như Thủ tướng đã khẳng định, mỗi người dân chính là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19, do vậy, mỗi người cần chủ động, tích cực vào cuộc ngay trong gia đình mình, ngay tại nơi cư trú, chỗ làm việc và trong sinh hoạt hằng ngày, chấp hành nghiêm quy định 5K thì công tác chống dịch mới có hiệu quả tối đa và về lâu dài mới có thể “sống chung, an toàn với COVID-19”.

THẢO TRẦN

;
.