Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, thông tin RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực chính thức có hiệu lực được kỳ vọng giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần 30% dân số (tương đương 2,7 tỷ người) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP - tương đương 26.200 tỷ USD) toàn cầu.
RCEP là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. Theo cam kết chung, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Các nước đối tác sẽ xoá bỏ thuế quan cho hàng hoá từ 30-100% số dòng thuế ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Còn tỷ lệ xoá bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,6%.
Giới chuyên gia nhận định RCEP sẽ mở ra những cơ hội có thể là “chất xúc tác” giúp mở rộng đầu tư và thương mại khu vực. Việc RCEP được thực thi, khu vực này sẽ trở thành một cơ sở sản xuất duy nhất cũng như một thị trường tiêu thụ các sản phẩm của riêng khu vực. Hiệp định này cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, FTA này là cơ hội vàng để Việt Nam và các thành viên phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
RCEP là hiệp định được ký kết trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm bởi dịch COVID-19, hy vọng tạo thêm cơ hội cho ngành xuất khẩu vốn là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam. Các DN tại BR-VT cũng đang rất kỳ vọng RCEP sẽ là “luồng gió mới”, tạo ra một thị trường khổng lồ với nhiều lợi ích về thuế quan, trong khi những thị trường này lại không quá khó tính.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng như các FTA thế hệ mới khác, sẽ rất nhiều thách thức mà các DN phải vượt qua để có thể khai thác triệt để hiệu quả những lợi thế mà Hiệp định RCEP mang lại. Bởi lẽ, phần lớn đầu vào để phục vụ sản xuất của các DN vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn vốn để đầu tư máy móc công nghệ, việc thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh… đang còn là rào cản lớn cho các DN. Áp lực từ RCEP đối với cộng đồng DN cũng rất lớn khi sẽ có nhiều hàng hóa có cơ cấu sản phẩm tương tự tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hàng hóa từ Trung Quốc với lợi thế phong phú, giá rẻ.
Do đó, yếu tố quan trọng nhất là chính quyền và DN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn DN một cách cụ thể về các mức thuế áp dụng với từng ngành hàng theo lộ trình đã cam kết để DN nắm được và vận dụng cho hiệu quả. Ở chiều ngược lại, bản thân các DN cũng cần chủ động nắm bắt thông tin, cần nắm bắt nhanh và nghiên cứu kỹ hiệp định, từ đó, sẵn sàng hợp tác và nâng cao sức cạnh tranh với các DN nước ngoài, hạn chế rủi ro phát sinh.
NGÔ GIA