Tạo động lực để thi đua
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc. Bác Hồ cũng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp đã được phát động ở mọi ngành, mọi giới, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của mình. Chẳng hạn, trong kháng chiến chống Mỹ có phong trào phụ nữ Ba đảm đang; thanh niên Ba sẵn sàng; Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Mỗi người làm việc bằng hai; nông dân Tay cày tay súng; công nhân Tay búa tay súng… Các phong trào thi đua đã tạo ra nguồn lực to lớn và là động lực quan trọng góp phần đưa đất nước ta giành thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh này.
Đất nước hòa bình, thống nhất, các phong trào thi đua kiến thiết và phát triển đất nước tiếp tục được triển khai sâu rộng. Có những phong trào chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều phong trào được duy trì hàng chục năm. Các phong trào thi đua ngày càng nở rộ, gắn với mọi ngành, mọi giới như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Dân vận khéo…
Tại BR-VT, bên cạnh việc triển khai các phong trào thi đua chung do Trung ương phát động, tỉnh cũng tổ chức các phong trào thi đua gắn với từng giai đoạn, từng nhiệm vụ. Gần đây nhất là phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập tỉnh (12/8/1991 - 12/8/2021), do UBND tỉnh phát động từ tháng 12/2018. Phong trào đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lồng ghép với các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất đã xuất hiện. Nhiều cách làm hay, mô hình mới, giải pháp sáng kiến được nhân rộng, có sức lan tỏa trong toàn tỉnh.
Thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong cả nước đang tiến hành tổng kết năm 2021. Một trong những thủ tục có tính bắt buộc là bình bầu danh hiệu thi đua. Theo quy định, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức được bình bầu không quá 20% người đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Chiến sĩ thi đua) hoặc Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh những cơ quan, đơn vị luôn coi trọng, tôn vinh, khen thưởng người lao động trực tiếp, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chú trọng khen thưởng người đứng đầu, người có chức vụ trong tổ chức mà ít chú ý đến nhân viên vì quan điểm “nhân viên không thể xuất sắc hơn lãnh đạo”.
Quan điểm này có phần đúng nếu xét toàn diện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, khi mà tổ chức đó cũng được đánh giá Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng quan điểm này sẽ làm giảm đi, thậm chí là triệt tiêu động lực thi đua trong tổ chức, bởi nhân viên, người lao động trực tiếp sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, coi nhẹ thi đua vì nghĩ rằng mình có cố gắng đến mấy cũng không được ai ghi nhận, không thể xuất sắc hơn lãnh đạo hoặc cấp trên.
Trên thực tế, ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nào, phong trào thi đua được triển khai thực chất, việc khen thưởng, biểu dương đúng người, đúng việc, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, thì ở đó, không khí thi đua diễn ra sôi nổi, tạo động lực để người lao động hăng say làm việc, cống hiến và thỏa sức sáng tạo. Khi đó, phong trào thi đua mới thực sự là động lực của sự phát triển!
NGUYỄN ĐỨC