Khi F0 được điều trị tại nhà
Sau nhiều ngày “bình an”, chung cư tôi vừa ghi nhận một số ca nhiễm COVID-19. Khi hay tin có F0 ở tầng mình, trưởng tầng lập tức gõ cửa từng nhà để thông báo, yêu cầu mọi người hạn chế ra hành lang, quản lý con em, không để các cháu chơi đùa hay chạy qua nhà nhau.
Cuối tháng 7, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp nên chỉ cần một F0 xuất hiện là cả tòa chung cư gồm hơn 500 căn hộ đã bị phong tỏa. Sống trong những ngày bức bối với tinh thần “ai ở đâu ở đó” nên cư dân cảm nhận được giá trị của những ngày tự do. Vì vậy, trong hoàn cảnh “thích ứng an toàn” hiện nay, ai nấy đều cố gắng giữ gìn, nêu cao ý thức phòng dịch, nhắc nhau đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách an toàn.
Ở trạng thái mới, khi ghi nhận F0, không có ai đến “chăng dây” cả tòa nhà, thay vào đó là tấm biển đỏ cảnh báo “nhà có F1 cách ly tại nhà, không lại gần” được treo trước cửa căn hộ có F0. Các sinh hoạt thiết yếu của cư dân vẫn diễn ra bình thường nhưng trên tinh thần cảnh giác cao độ. Trẻ em, người già ra hành lang vui đùa, đi bộ thể dục được ban quản lý chung cư yêu cầu tạm dừng, ai về nhà nấy và không qua nhà nhau trò chuyện.
Cùng với việc cho F1 cách ly tại nhà, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 nhẹ tại nhà và tại nơi làm việc kể từ ngày 25/11 với nhiều yêu cầu ràng buộc nhất định. Chủ trương này nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị, cũng như tạo thuận lợi cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ, đáp ứng các điều kiện được theo dõi, điều trị tại nhà và tại nơi làm việc; giúp họ an tâm hơn, thoải mái hơn về tinh thần, từ đó lạc quan hơn, nhanh khỏi bệnh hơn.
Công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà được giao cho lực lượng y tế phường, xã và cán bộ tổ dân cư đảm nhiệm. Đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cọ xát, nâng cao tay nghề và tích lũy kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, lại trực tiếp đảm đương nhiều công việc liên quan đến phòng, chống dịch (lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức tiêm vắc xin…) nên khi số lượng F0 được điều trị tại nhà tăng lên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ quá tải, khó kiểm soát.
Do vậy, bên cạnh vai trò quản lý của lực lượng chức năng, ý thức của người nhiễm bệnh và những người liên quan là rất quan trọng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, F0, F1 khi được quản lý, điều trị, cách ly tại nhà phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng cũng như tai mắt giám sát của cộng đồng dân cư, hệ thống camera giám sát nơi F0, F1 sinh sống cần được phát huy tối đa, nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để thông báo cho lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý.
Thời gian qua, công tác giám sát dịch bệnh qua các nhóm Zalo đã phát huy hiệu quả. Đơn cử, nhóm Zalo khu phố tôi có gần 500 thành viên. Hàng ngày, khu phố trưởng đều thông báo thông tin về các ca F0 ghi nhận trên địa bàn phường, cùng những thông tin bổ ích về lấy mẫu xét nghiệm, công tác tiêm vắc xin, những cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng nhưng các biện pháp phòng, chống dịch, công tác truy vết… Cư dân thì nhắc chỗ này, chỗ kia người dân chưa tuân thủ triệt để 5K, còn tình trạng tụm năm tụm bảy trò chuyện. Từ phản ánh của người dân, ban điều hành khu phố có cơ sở để báo cáo UBND phường cử lực lượng chức năng xử lý kịp thời. Như vậy, các nhóm Zalo của từng khu dân cư cũng cần được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để quản lý địa bàn cơ sở, quản lý F1, F0 khi được cách ly, điều trị tại nhà.
ĐỨC NGUYÊN