Tạo điều kiện để doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
Cuối năm, thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng và lên kế hoạch gối đầu cho những tháng tiếp theo của mùa vụ sản xuất mới. Năm nay, do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong các đợt dịch COVID-19 phức tạp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể về sản lượng và lợi nhuận. Thời điểm này, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai rộng khắp tại các địa phương, các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch, đồng thời tìm kiếm đối tác mới, tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm 2022.
Sau hơn một tháng rưỡi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc, nhiều chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra của sản phẩm được kết nối; công suất hoạt động của nhiều doanh nghiệp đạt mức 80-90%. Tuy nhiên, giai đoạn đầu trở lại sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, theo ghi nhận từ phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng cho thấy, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ khôi phục nhanh công suất đạt được trước đại dịch. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu bao gồm: Vẫn còn tình trạng mỗi địa phương, doanh nghiệp áp dụng Nghị quyết 128 ở mỗi mức độ khác nhau; hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa hoặc nguồn cung lao động vẫn còn, điều đó tiếp tục tạo ra sự tăng chi phí và sự thiếu hụt lao động đối với nhiều doanh nghiệp. Thứ hai, lưu thông hàng hóa và đi lại của người lao động được thuận lợi hơn, nhưng đây đó vẫn còn những rào cản vì quy định xét nghiệm, quy định cách ly ở mỗi địa phương thực hiện mỗi khác. Cùng với đó, mô hình sản xuất áp dụng tại từng địa phương cũng chưa thống nhất, có nơi yêu cầu 3 tại chỗ, có nơi yêu cầu 1 cung đường 2 điểm đến; do đó, có doanh nghiệp thích nghi tốt, phù hợp, nhưng cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thích ứng kịp thời. Thứ ba, nguyên vật liệu đầu vào thời gian qua đều bị tăng, đặc biệt là giá xăng dầu biến động lớn… khiến chi phí của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Về tài chính và dòng tiền hỗ trợ, doanh nghiệp mong muốn có thêm những gói hỗ trợ lớn hơn, nhanh hơn, kịp thời hơn để doanh nghiệp thêm sức, thêm động lực trong phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bước vào cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thị phần khách hàng truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các tháng tiếp theo, nhất là dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm tòi hướng đi mới trong việc cân bằng chính sách cắt giảm chi phí, thiếu hụt lao động, mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng từ việc tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và đào tạo lao động theo cách vận hành mới.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bứt tốc cuối năm, để các doanh nghiệp phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, linh hoạt áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, an toàn; không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa và nguồn cung lao động.
HOÀNG LÊ