.

"Hạ nhiệt" giá xăng, dầu

Cập nhật: 21:26, 21/11/2021 (GMT+7)

“Bão” COVID-19 chưa tan, “bão” giá xăng, dầu đã tới. Người ta cảm nhận được sức nóng của giá xăng, dầu phả mạnh vào đời sống cũng như sản xuất từ sau khi giá xăng, dầu trong nước có lần tăng thứ 5 liên tiếp vào chiều 10/11.

Trong vòng 1 năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5RON92 tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít, xăng RON95 tăng 10.289 đồng/lít. Dù liên Bộ Công thương - Tài chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu nhất để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng, dầu thế giới nhưng vẫn chưa đủ sức trấn an DN và người dân. Thực tế cho thấy, giá xăng tăng mạnh đã kéo theo hiệu ứng domino đến tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, làm trì trệ, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, gây áp lực lớn lên đà phục hồi kinh tế.

Đầu tuần qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri đã phản ánh tình trạng giá xăng, dầu, phân bón, vật tư tăng cao khiến việc đầu tư sản xuất, đánh bắt gặp khó khăn. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn, “kìm cương” giá xăng, dầu tránh tác động đến lạm phát trong thời gian tới. “Xăng, dầu tăng giá không chỉ khiến chi phí mỗi chuyến đi biển tăng lên đáng kể mà phí vận chuyển hải sản cũng tăng lên gấp đôi”, ông Trần Thanh Vũ (ngư dân TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nói.

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng chia sẻ sau nhiều tháng tàu phải nằm bờ do dịch COVID-19, nhiều ngư dân lại tiếp tục cho tàu nằm bờ do giá xăng, dầu, chi phí nhân công và phòng, chống dịch đều tăng mạnh, càng ra khơi càng thua lỗ khi giá bán hải sản vẫn đang đứng ở mức thấp. Ước tính có khoảng 1/3 tàu cá khai thác xa bờ hiện không ra khơi hoặc có số ngày đi biển ít hơn thường lệ”. Với các DN vận tải, khi mà phí xăng dầu chiếm đến 40% tổng chi phí, chỉ có thể nói là “xe càng lăn bánh càng lỗ”.

Biện pháp để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu mà người tiêu dùng mong đợi được nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất: xem xét lại cơ cấu thuế, phí trong giá xăng, dầu. Nhìn từ kết cấu giá nhiên liệu, mỗi lít xăng bán ra thị trường phải “cõng” 4 loại thuế, phí: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, chiếm 50,2% giá bán lẻ loại thuế được Bộ Công thương đánh giá là chưa phù hợp. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn, để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu, cơ quan điều hành nên tính toán việc giảm thuế, phí - nhất là thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng E5 để kích thích tiêu dùng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá xăng, dầu trong kỳ điều chỉnh tới (25/11) có thể giảm mạnh, từ 1.200 đồng đến 1.400 đồng/lít. Điều đó có thể khiến giới DN vận tải và người tiêu dùng cảm giác nhẹ lòng, nhưng chưa thể tạo được hiệu ứng kinh tế - xã hội tích cực, nhất là tác động hạ giá thành vận tải cũng như giá cả thị trường. Điều mà nhiều đại biểu Quốc hội, DN, người dân, các chuyên gia kỳ vọng vẫn là sự can thiệp của Nhà nước về thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu phục vụ cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Xin được nhắc lại, trước việc giá xăng, dầu tăng phi mã, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của DN, người dân, từ tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng nghiên cứu xem xét các giải pháp giảm giá xăng, dầu, nhưng 2 tháng đã trôi qua các cơ quan có thẩm quyền cho biết: “vẫn đang theo sát diễn biến, tính toán để giảm tối đa tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng, dầu”. Nói cách khác, cơ quan điều hành vẫn chưa có chính sách mới về thuế, phí như thế nào để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu.

Nghiên cứu giảm thuế, phí để giảm giá xăng, dầu, triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN hoặc tiếp tục phụ thuộc vào quỹ bình ổn giá vốn đã cạn kiệt hoặc để giá xăng dầu tăng tự do? Chọn giải pháp nào, câu trả lời thuộc về các nhà làm chính sách.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.