Vì một tương lai xanh
Một chai nhựa nếu bị vứt đi sẽ phải mất từ 450-1000 năm để phân hủy. Thế nhưng nếu tái chế, chai nhựa này không chỉ là nguyên liệu đầu vào của nhiều sản phẩm khác mà “hồi sinh”, có thể trở thành chổi quét nhà, chậu hoa nhỏ xinh, đồ chơi, giỏ đựng đồ, giá sách… Thống kê cho thấy có hàng chục sản phẩm có thể tái chế từ chai nhựa, hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn. Chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường thì sẽ được "tái sinh" dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.
Không chỉ là tái chế, coi chất thải là tài nguyên, mà kinh tế tuần hoàn còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn, hướng tới việc dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Đây đang là một xu hướng phát triển bền vững nhằm đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp, chuỗi cung ứng đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy thì kinh tế tuần hoàn lại được nhắc đến nhiều hơn, như là sự chọn lựa tối ưu. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng trong phục hồi sau dịch, bởi nó cung cấp nền tảng có tính sẵn sàng và cạnh tranh cao cho các DN. Có thể lấy ví dụ như Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, với chức năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm (HZO, loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc, không chỉ giúp BR-VT giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại nhiều năm nay mà oxit kẽm có độ tinh khiết cao còn được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ, thậm chí là nguyên liệu cho ngành sản xuất mỹ phẩm. Đây cũng là chìa khóa để giải bài toán làm thế nào để sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, ít nguyên vật liệu nhất nhưng lại sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất, thân thiện môi trường và tiêu tốn ít nhất. DN nội địa cũng nhờ đó mà ít phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do thảm họa COVID-19 gây ra.
Một thông tin khá thú vị là mới đây, Quỹ Sáng kiến Phát triển các Thành phố châu Á – CDIA – cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho TP. Vũng Tàu về quản lý chất thải rắn tổng thể, hướng tới kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và xanh hơn. Đây cũng là một trong nhiều hướng đi mà ADB đang hỗ trợ cho quá trình phục hồi xanh hậu COVID-19 và chiến lược phát triển carbon-thấp của Việt Nam, trong đó TP. Vũng Tàu được chọn làm thí điểm “thành phố không rác thải”. Trong sự nỗ lực của chính quyền đang xây dựng TP. Vũng Tàu trở thành một đô thị văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường, điều này được xem là cơ hội để tạo dựng một đô thị xanh. Đây cũng là thời điểm vô cùng thích hợp để lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng tài nguyên thông minh, giảm phát thải hiệu quả và phục hồi môi trường “xanh hóa cuộc sống”.
Vì một tương lai xanh - điều này phục thuộc ở sự lựa chọn và ý thức với môi trường của mỗi chúng ta.
NGÔ GIA