Từ câu chuyện khoai mài
Chỉ với củ khoai mài (hay thường gọi là hoài sơn) mà HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) đã chế biến ra hàng chục sản phẩm như: bột hoài sơn, bún hoài sơn, cà phê hoài sơn, sữa hoài sơn, hoài sơn thái lát khô… Các sản phẩm này được đóng gói với nhiều loại bao bì, trọng lượng đa dạng, phù hợp cho từng đối tượng, mẫu mã bắt mắt, đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đây cũng là sản phẩm được gắn 4 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP và trong tương lai gần sẽ nâng hạng 5 sao.
Điều đáng nói là, củ hoài sơn chỉ mới được phát hiện và nhân rộng trồng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh cách đây chừng chục năm. Trước đây, người tiêu dùng mua củ hoài sơn về sử dụng chế biến món ăn như nấu canh, làm bánh hoặc chế biến dược liệu. Giá trị mang lại cho nông dân chưa cao. Nhưng với cách làm của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây, củ hoài sơn đã được nâng giá trị ở một tầm cao mới, có thương hiệu không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới.
Đặc biệt, khi sản phẩm hoài sơn được gắn sao trong chương trình OCOP, HTX đã quan tâm đến chứng nhận an toàn, chứng nhận quốc tế, tăng cường chế biến sâu. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm đứng vững trên thị trường. Đến nay hoài sơn không còn là cây trồng xen canh nhỏ lẻ ở vài hộ gia đình mà trở thành mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trên diện tích khoảng 600ha với 1.000 hộ tham gia, sản lượng trung bình 35-50 tấn/ha. Riêng các sản phẩm từ sữa hoài sơn Bầu Mây đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài 70% và 30% tiêu thụ trong nước.
Câu chuyện của củ hoài sơn cho thấy, dù là khoai, lúa, hồ tiêu…, nếu biết phát huy giá trị thì nông dân có thể làm giàu bền vững từ chương trình OCOP. Ngoài ra, những chính sách phù hợp hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là điều kiện để mỗi nông dân đều trở thành một nhân tố trong chuỗi giá trị, từ đó thay đổi tư duy và tạo dựng cách thức làm ăn mới. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình OCOP, trên địa bàn tỉnh có 5 chủ thể với 21 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia và 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Tỉnh cũng đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, định hướng cho các DN, HTX nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước tham gia xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có gần 50 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP với hơn 100 sản phẩm đặc trưng, chưa kể hàng trăm làng nghề nổi tiếng. Đây là lợi thế thúc đẩy OCOP cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phát triển, nâng tầm giá trị. Nếu có hướng đi đúng, như cách mà HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đã làm, thì chương trình OCOP không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng còn góp phần thay đổi trong cách làm nông nghiệp với tư duy thị trường của nông dân. Khi đó, họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình, làm phong phú thêm giá trị văn hóa, môi trường, kinh tế… cho quê hương.
NGÔ GIA