Phát huy lợi thế cảng đặc biệt

Thứ Tư, 22/12/2021, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, hệ thống cảng biển BR-VT thuộc nhóm cảng biển đặc biệt. Cùng với cảng biển Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải của BR-VT đã tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn. Từ hai cảng biển này đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Campuchia.

Đặc biệt, với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, Cái Mép-Thị Vải là 1 trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn; thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Mỗi năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Riêng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tổng sản lượng hàng thông qua cảng Cái Mép-Thị Vải vẫn đạt 79 triệu tấn, tăng 4%, trong đó hàng container bằng tàu biển tăng 16,8%.

Lợi thế, tiềm năng là vậy nhưng vì sao hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới? Nguyên nhân cũng được các cơ quan chức năng chỉ rõ: Hệ thống các cảng đang bị chia cắt, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu một hệ sinh thái logistics… Bên cạnh đó, đã có những điểm nghẽn về giao thông kết nối khiến cho Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Đó là Quốc lộ 51 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ách tắc giao thông. Đặc biệt các cửa ngõ kết nối ra vào khu vực cụm cảng, KCN. Tuyến đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa liên thông với nhau. Do vậy, việc đầu tư xây dựng sớm cầu Phước An là cần thiết để tạo ra trục liên cảng song song với Quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc Dầu Giây-Long Thành về TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu thì toàn bộ hệ thống vận tải đa phương thức gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy kết nối với BR-VT sẽ hoàn thiện. Đến nay, 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 đều được bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Thông tin được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tại buổi làm việc với tỉnh BR-VT mới đây, rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm tới đầu tư vào BR-VT, nhất là khu vực Cái Mép-Thị Vải. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. Do đó, rất cần các giải pháp mang tính đột phá cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh về cảng biển - một trong 4 trụ cột kinh tế đưa BR-VT “cất cánh” trong tương lai gần.

NGÔ GIA

;
.