Đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở

Thứ Hai, 20/12/2021, 23:44 [GMT+7]
In bài này
.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát - nhất là từ sau đợt dịch thứ 4, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường chịu áp lực rất  lớn trong việc đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ thường ngày.

“Quá tải”, “Quá sức chịu đựng”… Đó là những lời cảm thán mà chúng ta nghe được không chỉ từ các nhân viên y tế mà còn từ cộng đồng, chính quyền cơ sở khi nói về vai trò và nhiệm vụ của hệ thống y tế xã, phường.

Hai năm trải qua đại dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở cả nước nói chung và BR-VT nói riêng đã được kích hoạt nhanh chóng, thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của ngành y tế. “Cuộc chiến” kéo dài đã khiến cho nhiều nhân viên y tế cơ sở kiệt sức, nhiều người trở thành F0 nhưng các “chiến binh áo trắng” vẫn phải tiếp tục công việc mà hiện nay là tăng cường cho các trạm y tế lưu động và đội phản ứng nhanh, tham gia vào việc hỗ trợ điều trị F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh, người ta chứng kiến sự “xáo trộn” trong hệ thống y tế xã phường, đó là hàng loạt nhân viên y tế của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác; Ở các tỉnh thành, tuy không xin nghỉ việc nhưng nhân viên y tế cơ sở cũng bị “phân tâm” bởi áp lực công việc, khủng hoảng tâm lý, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội thăng tiến nghề nghiệp...

Tại cuộc hội thảo bàn về các giải pháp nâng cáo chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6/2020, bác sĩ Phạm Minh An, giám đốc Sở Y tế thừa nhận ngành y tế còn đối mặt với những khó khăn như nguồn nhân lực của ngành chưa đủ về số lượng và chất lượng; Năng lực chuyên môn của mạng lưới y tế cơ sở còn yếu; Chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở chưa khả thi; Thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ trong đơn vị công lập còn thấp. Một số lĩnh vực về pháp y, phẫu thuật, lao, phong, tâm thần… và các trung tâm y tế tuyến huyện nhiều năm không tuyển được bác sĩ.

Có thể nói, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế lại thêm cơ chế hoạt động bị bó buộc, chưa dung hòa với chính sách khác về khám, chữa bệnh, bác sĩ gia đình đã khiến cho hoạt động của y tế cơ sở nghèo nàn, đơn điệu, tay nghề của các y bác sĩ khu vực này dần mai một,không ít người đã “dứt áo ra đi”.

Những yếu kém, bất cập về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của y tế cơ sở BR-VT cũng là vấn đề chung của các tỉnh thành trong cả nước. Đó là lý do khiến các nhà quản lý, chuyên gia y tế đề xuất cần có sự  thay đổi toàn diện mô hình y tế cơ sở và vấn đề phải do Chính phủ, các bộ ngành chủ trì, triển khai, bản thân một địa phương không thể tự quyết định. Giải pháp trọng tâm mà các chuyên gia y tế đề xuất là sớm có chính sách đồng bộ nhằm giữ chân, thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại y tế cơ sở, trong đó việc tạo điều kiện để những người ở tuyến y tế cơ sở được cấp chứng chỉ hành nghề, có chính sách đãi ngộ, chính sách bảo hiểm phải là một trong những mục tiêu hướng tới đầu tiên. Bên cạnh đó, nhân lực tại các trạm y tế cần được bố trí theo quy mô dân số thay vì phân theo hành chính cấp xã, phường. Đối với những địa phương có mật độ dân số ít có thể thành lập các trạm y tế liên phường. Ngoài trạm y tế cơ hữu, cần có chính sách để thu hút các y bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc làm ở y tế tư nhân có thể tham gia vào các hoạt động y tế cơ sở dưới hình thức hợp đồng… Đó chính là “kế sách” để nhân viên y tế gắn bó với người dân, bám trụ lâu dài với hệ thống y tế cơ sở.

Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở cần sớm được đặt ra. Hệ thống y tế cơ sở được “nâng cấp” sẽ giúp giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, người dân cũng thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của mình.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.