Câu chuyện thưởng Tết
Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là Tết Nhâm Dần 2022, câu chuyện về thưởng Tết đã bắt đầu nóng lên trên các trang báo, các diễn đàn mạng xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh các DN vừa trải qua một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, ngưng trệ, nhiều người lao động đã rất lo lắng, liệu DN còn nguồn để thưởng Tết?
Khảo sát một số DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời điểm nay đang là giai đoạn “nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm, cân đối nguồn lực để xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động. Nhiều DN cũng thừa nhận, chưa bao giờ việc cân đối nguồn tài chính để thưởng Tết lại khó như năm nay bởi dịch bệnh đã bào mòn dòng tiền, đứt gãy sản xuất, thiếu hụt nhân công. Những năm trước, vào đầu tháng 12, các báo cáo về thưởng Tết đã được DN gửi về cơ quan chức năng như Sở LĐTB-XH, công đoàn các ngành… Thế nhưng năm nay, việc làm này chậm hơn và dự báo, đến tháng 1/2022 thì các DN mới có báo cáo đầy đủ về hoạt động chăm lo cho người lao động cũng như tình hình lương, thưởng Tết.
Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, nhìn chung mức thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn. Chỉ một số DN ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021. Một số ngành nghề như du lịch, vận tải có thể không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp để giữ lao động. Tuy nhiên, mức bình quân chung vẫn là một tháng lương cơ bản. Một tin vui cho người lao động là mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng hỗ trợ với DN với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, 8 triệu lao động sẽ được chăm lo Tết từ nguồn kinh phí công đoàn.
Hiện tại không có quy định nào bắt buộc DN phải thưởng Tết cho người lao động trong mọi trường hợp, dù là tết Dương lịch hay Tết âm lịch. DN chỉ phải thưởng Tết khi người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hay theo quy chế nội bộ DN về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể. Việc thưởng Tết sẽ phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của DN và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động. Nếu người lao động đạt hiệu quả công việc theo thỏa thuận, DN có doanh thu theo kế hoạch trong quy chế nội bộ thì sẽ được thưởng Tết.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng thưởng Tết từ xưa đến nay đã trở thành văn hóa của DN. Bởi ai cũng hiểu rằng, có thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội mới giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài với DN, với cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, trước những khó khăn của DN, năm nay người lao động cũng có sự chia sẻ nhiều hơn, chưa kỳ vọng đến thưởng Tết, chỉ mong đảm bảo công việc và tiền lương mỗi tháng. Vì vậy, thưởng Tết dù ít hay nhiều vẫn là sự khích lệ, động viên rất lớn đối với người lao động.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ngành LĐTB-XH, các tổ chức công đoàn cần nhanh chóng nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các DN thực hiện đúng các chế độ chính sách, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ đọng BHXH của người lao động.
NGÔ GIA