.

Chờ một sự ổn định

Cập nhật: 20:01, 15/10/2021 (GMT+7)

Du lịch - ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, diễn biến dịch bệnh phức tạp trong 4 tháng qua, đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành này.

Các doanh nghiệp du lịch trong nước nói chung và BR-VT nói riêng gần như cô cứng trong tảng băng của chính sách quản lý dân cư thời đại dịch, không thể cựa quậy để phát triển. Giống như một kỳ “ngủ đông” dài ngày, ngành du lịch đã nằm im trong giá buốt và duy trì sự sống dựa vào nguồn năng lượng tích trữ từ những ngày bình thường trước đó. Nhưng nguồn năng lượng này đã dần cạn kiệt.

Tại tọa đàm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới do Báo Người Lao động tổ chức (14/10), Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy đưa ra những con số cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Cụ thể, theo ông Duy năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, số khách chỉ đạt 350.000, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng. Năm 2021, lãnh đạo Vietravel dự kiến, mức doanh thu của Vietravel chỉ khoảng 10% so với năm 2019, kéo Vietravel quay lại kết quả kinh doanh tương tự thời điểm 10 năm trước đó.

Tại BR-VT, văn phòng của Vietravel với 18 lao động, đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 7/2021. Theo ông Duy, Công ty có hơn 40 văn phòng trong nước và 6 chi nhánh ở nước ngoài, hiện phải đóng cửa hơn 50% hoặc tạm thời đóng cửa. Toàn hệ thống 1.700 nhân viên và trên 90% nhân sự nghỉ không lương.

Đó là những con số thiệt hại cụ thể của một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu của Việt Nam, đang có văn phòng kinh doanh tại BR-VT. Có thể nói, trong suốt 4 tháng giãn cách, chỉ số ít những cơ sở lưu trú tham gia vào việc tiếp nhận người cách ly tập trung mới có nguồn thu. Còn lại tất cả đều phải “ngủ đông” dài ngày. Không nguồn thu, họ khó có điều kiện duy trì và nuôi sống bộ máy.

Hiện nay, cả nước đang trong nỗ lực chuyển từ chiến lược “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả. Với nỗ lực bao phủ vắc xin và qua 4 tháng thực hiện giãn cách ở mức độ cao, tốc độ lây lan dịch bệnh trong cả nước đã giảm mạnh. Ngày 12/10, ngày đầu tiên Việt Nam ghi nhận số ca dương tính mới SARS-CoV-2 dưới 3.000 ca, sau suốt 90 ngày liên tục ghi nhận số ca mắc cao, có ngày lên đến hơn 10.000 ca nhiễm.

Đường đồ thị đi xuống nhanh của số ca nhiễm mới, là tín hiệu tích cực, và cho phép cả nước bước vào thời kỳ nới lỏng giãn cách. Hiện tại, hầu hết các địa phương đã bắt đầu cho mở cửa nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Người dân đã được phép di chuyển nhiều hơn trong điều kiện an toàn. Đây là thời điểm, ngành du lịch bắt đầu nghĩ tới chiến lược thích ứng mới, chuẩn bị cho việc phục hồi kinh doanh.

Tại BR-VT, ngày 15/10, đã có 4 đơn vị kinh doanh du lịch được phép tổ chức thí điểm đón khách. Đó là con số rất nhỏ, so với tổng số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhưng đây lại là bước thí điểm cần thiết để xem xét tính an toàn tổng thể. Nói đến cùng, điều các cơ sở kinh doanh du lịch chờ đợi nhất vào lúc này không phải là việc được hoạt động trở lại hay không mà chính là có ổn định và có khách hay không?

Ngành du lịch phát triển phụ thuộc vào nhu cầu khám phá, thụ hưởng và xê dịch của con người. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu này sẽ là những nhu cầu được tính đến sau cùng. Vì thế, so với bất cứ các loại hình sản xuất, kinh doanh nào khác, ngành du lịch cũng buộc phải xuất phát muộn hơn. Để trở lại kinh doanh, nhiều DN, đơn vị sẽ phải đầu tư, thậm chí đầu tư lại từ đầu. Do đó, đầu tư sớm và vội vã trong bối cảnh phức tạp là một thách thức lớn. Doanh nghiệp du lịch cần sự hỗ trợ có tính tổng thể, đồng bộ từ nhiều ngành, lĩnh vực và hơn hết là cần đến một nhạc trưởng, với khả năng chỉ huy tái khởi động đúng thời điểm và an toàn.

THU THẢO

.
.
.