Nông dân giàu để đất nước giàu
Có lẽ với rất nhiều nông dân BR-VT cũng như trên cả nước, cái tên Lâm Ngọc Nhâm, huyện Xuyên Mộc với thương hiệu tiêu “Bầu Mây” đã không còn xa lạ. Loại tiêu mang thương hiệu này chủ yếu được bán tại các cửa hàng sản phẩm hữu cơ và một số hệ thống nhà hàng, khách sạn với giá cao nhất 15 triệu đồng/kg, tiêu không hạt được bán mỗi hộp 10g với giá 150.000 đồng. Sản phẩm này được xuất khẩu sang Nhật với giá 22 triệu đồng/kg. Đặc biệt, tiêu Bầu Mây cũng đã xuất khẩu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... với giá 68 USD/kg (tiêu tươi). Riêng với giống tiêu đen hạt, tiêu đỏ hạt được phơi bằng nhà màng hoàn toàn tự nhiên có giá CIF xuất khẩu lần lượt là 75 USD/kg và 100 USD/kg. Còn nếu giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) và sàn SMX (Singapore) lần lượt là 4,98 USD/kg và 6,5 USD/kg. Theo lời kể của “cha đẻ” tiêu Bầu Mây, trước đây khi trồng các loại cây như cà phê, bắp năng suất không cao do làm theo phương thức truyền thống, giá bán thấp, việc tiêu thụ khó khăn. “Tôi nghĩ mình cần làm việc gì đó để thay đổi và may mắn lúc đó trong vườn trồng rất nhiều giống tiêu khác nhau. Trong đó có một loại tiêu khỏe mạnh năm nào cũng cho năng suất cao. Sau đó tôi mới cắt dây tiêu này ra chờ cho nó lên 18 tháng rồi cắt ra làm giống. Cây tiêu có bộ rễ cái to khỏe gấp 10 lần giống khác, cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó. Tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất tới 10 - 12 tấn/ha, ổn định qua các năm. Tên tiêu Bầu Mây cũng ra đời từ đó và có thành quả như ngày hôm nay”, anh Nhâm kể.
Hơn 20 năm qua, nông dân Lâm Ngọc Nhâm đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như: Huân chương lao Lao động hạng 3, tiêu Bầu Mây đạt liên tiếp 3 năm liền sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc 2014, 2015, 2016. HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây do anh Lâm Ngọc Nhâm làm Giám đốc cũng là đơn vị đầu tiên được gắn 5 sao OCOP cho sản phẩm chủ lực như: tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu 1 nắng, tiêu muối tươi, tiêu không hạt.
Kể câu chuyện trên để thấy rằng, khi nông dân ngày càng tự tin trên đồng đất của mình, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo thì sản phẩm nông nghiệp ngày càng có giá trị cao, vươn xa trên thị trường thế giới. Và đặc biệt, nông dân sẽ làm chủ trên cánh đồng, tự quyết định giá trị sản phẩm do mình làm ra.
Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Làm theo lời dạy của Bác, nông dân đã vươn lên làm chủ ruộng đồng, làm chủ kinh tế nông thôn. Vị thế mới đó đang tạo nên một sức bật mới cho nông nghiệp Việt cất cánh trong thời kỳ mới. Đặc biệt, 91 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò của mình đã tập hợp lực lượng nông dân với nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hàng năm có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Gần 3,5 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm và 27.000 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Mỗi năm, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực sản xuất. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã mang về cho đất nước 35,5 tỷ USD, khẳng định là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế.
10 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu đứng vào top 15 các nước phát triển về nông nghiệp nhất thế giới. Để đạt mục tiêu này, với vai trò của mình, Hội Nông dân cùng với hội viên nông dân tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để “nông dân giàu thì đất nước giàu” như lời Bác Hồ đã dặn.
NGÔ GIA