Tăng sức "đề kháng" cho doanh nghiệp

Thứ Tư, 18/08/2021, 22:11 [GMT+7]
In bài này
.

Số lượng lao động lớn, điều kiện nhà xưởng, ký túc xá khó đáp ứng “3 tại chỗ”. Chi phí quá cao, khiến DN không thể duy trì tổ chức trong một thời gian dài. Việc áp dụng quy định giãn cách, chống dịch mỗi địa phương lại khác nhau, nên nhiều DN phải tạm dừng sản xuất. Chuỗi cung ứng logistics, vận tải gặp khó khăn khiến nguồn nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt. Đã có 86 DN tại các KCN trên địa bàn tỉnh buộc phải tạm ngừng sản xuất do các khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Một chủ DN cho biết, 1 DN thực phẩm được coi là thiết yếu nghĩa là được duy trì sản xuất, nhưng để tạo ra một sản phẩm phải có nguồn hóa chất vệ sinh dây chuyền, nguồn bao bì, đóng hộp… Rất nhiều chuỗi sản phẩm phụ trợ đi kèm. Tuy nhiên các sản phẩm này lại không phải là hàng hóa thiết yếu. Thế nhưng, điều đáng nói là thiếu đi các ngành phụ trợ này, ngay lập tức các ngành thiết yếu sẽ buộc phải dừng sản xuất. Đối với các DN xuất khẩu lại không thể “trì hoãn” đơn hàng với đối tác vì lý do dịch bệnh. Chậm đơn hàng, hoặc đơn hàng không đủ số lượng đồng nghĩa với việc vi phạm hợp đồng. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đang là nỗi lo chung cả DN nội lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Yêu cầu đặt ra là phải có mô hình mới phù hợp hơn so với “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới vì còn phải làm lâu dài khi dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Điều này không có nghĩa phủ nhận mô hình "3 tại chỗ". Với những DN đang thực hiện tốt "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Tuy nhiên đối với những DN đang gặp khó khăn thì đề xuất được linh động áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Bởi lẽ, DN đang đóng vai trò kép, vừa phòng dịch vừa sản xuất. Nếu không, rủi ro về mặt kinh tế là rất lớn. Cho nên cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như tính đến khả năng chịu đựng của DN.

Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành mới đây cũng nhấn mạnh phải đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện dịch bệnh, trong hành động luôn bám sát thực tiễn. Trong đó, ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, KCN, CCN, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Yêu cầu của Chính phủ đặt ra với Bộ Tài chính là chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ DN thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ cho DN theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh phải nhanh chóng được tháo gỡ với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực DN. Có như vậy, mới giúp tăng sức "đề kháng” cho DN, đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy.

NGÔ GIA

 

;
.