"Phải hành động như đang có dịch!"
Thời gian gần đây, tại các hội nghị, diễn đàn của ngành và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 ở nước ta. “Nguy cơ đó là rất lớn, hiện hữu, do đó muốn giữ được cộng đồng “sạch” COVID-19 như hiện nay, phải luôn nghĩ, hành động như đang có dịch”. Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Nỗi lo cũng như những khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long không hề là “bệnh nghề nghiệp”. Cảnh báo đó xuất phát từ thực tế đáng lo ngại mà không chỉ Bộ trưởng mà cả cộng đồng ai cũng có thể nhìn thấy, bắt gặp. Đã hơn 80 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Đây là là tín hiệu vui thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Nhưng cũng từ đây trong nhiều người đã xuất hiện tâm lý chủ quan, rằng Việt Nam đã hết dịch nên không cần phải tuân thủ các quy định “khắt khe” như lúc có dịch. Tại những nơi tập trung đông người như trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhà ga, bến xe, nhiều người đã không mang khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp hoặc xếp hàng mua vé.
Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam vẫn rất lớn. Từ đầu năm 2020 đến nay, có đến 20.160 người nhập cảnh trái phép bị phát hiện, xử lý và vấn nạn này hiện vẫn chưa dừng lại. Chỉ tính riêng trong ngày 23/11, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 80 trường hợp nhập cảnh trái phép. Tại biên giới Lào, Campuchia hay trên biển, cơ quan chức năng đều ghi nhận nhiều ca xuất nhập cảnh trái phép. Trên nhiều chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam đều có người mắc COVID-19 cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nếu việc sàng lọc, cách lý không được tổ chức tốt.
“Phải hành động như đang có dịch!” - Một khuyến cáo cần thiết và hữu ích khi mà Tết Tân Sửu 2021, thời điểm của những cuộc “đại di chuyển” đang đến gần. Theo dự báo, nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết rất lớn. Đến thời điểm này, tổng lượng vé trên toàn mạng bay nội địa đã đạt khoảng 5 triệu vé. Số hành khách di chuyển bằng đường sắt và đường bộ cũng lên đến con số triệu. Tâm lý chủ quan, lơ là phòng chống dịch cộng thêm thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho COVID-19 tái bùng phát trở lại. Trong khi đó, tình trạng người nhập cảnh trái phép vẫn chưa giảm. Không chỉ vào Việt Nam bằng đường mòn lối mở ở biên giới, một số đối tượng còn nhập cảnh trái phép bằng cách trốn trong các container, tàu hàng, tàu cá; Những yếu tố lây nhiễm mới như việc nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ vùng có dịch có thể chứa mầm bệnh, tiềm ẩn nguy cơ COVID-19 xâm nhập vào nước ta như Bộ Y tế đã cảnh báo.
Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 cần phải được đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất; Các địa phương phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất. Cả cộng đồng luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng đối phó với dịch. Chỉ một người thờ ơ, mất cảnh giác là có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 ở nước ta.
“Phải hành động như đang có dịch!” có nghĩa là cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc phòng chống dịch, kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch.
Công cuộc chống dịch COVID-19 không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm những việc quá sức mà chỉ cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K” như khuyến cáo của Bộ Y tế: “Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”.
Trong 2 đợt đương đầu với dịch COVID-19, người dân BR-VT luôn nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện tốt các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch. Trong tình hình mới, người dân BR-VT cũng sẽ tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 bởi có chủ động chuẩn bị kỹ các kịch bản, tình huống xấu, phức tạp mới có thể thành công trong ứng phó.
“Phải hành động như đang có dịch!” chính là cách để giữ vững thành quả đạt được trong 2 đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe người dân.
NGUYỄN TRIỆU HẢI