Nghề cao quý
“Giá giờ đây tôi có thể tìm lại con đường mòn mà Đuy-sen đã đưa tôi xuống núi, tôi sẽ phục xuống đất và hôn lên những vết chân của thầy tôi. Đối với tôi, con đường mòn ấy là con đường dẫn đến mọi con đường. Thiêng liêng và diễm phúc thay ngày hôm ấy, con đường mòn ấy, con đường đã dẫn tôi trở về với cuộc sống, với niềm tin mới vào bản thân mình, với những niềm hy vọng mới, với ánh sáng…”.
Có lẽ với rất nhiều thế hệ sẽ rất nhớ câu chuyện xúc động của cô trò nhỏ An-tư-nai và thầy giáo Đuy-sen trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Aitmatov. Nếu không có thầy Đuy-sen, An-tư-nai, đứa trẻ mà “từ thuở bé mọi ước nguyện, mọi ý muốn của tôi đều bị chôn vùi dưới những lời mắng chửi” - sẽ như bao đứa trẻ khác của làng, lớn lên mà không biết mặt chữ, rồi bị bán làm vợ lẽ cho một người giàu có, sống một cuộc đời mãi không thấy ánh sáng. Lần đầu tiên An-tư-nai được người khác quan tâm đến thế, kể cho cô nghe những chuyện cô chưa từng biết hay ho đến thế - đó là thầy Đuy-sen. Và cũng nhờ thầy Đuy-sen mà cô bé An-tư-nai ngày nào đã trở thành bà viện trưởng Viện Hàn lâm nổi tiếng.
Khi tác phẩm được phát hành, câu chuyện về người thầy đã dành cả cuộc đời mình cho việc gieo con chữ đã làm xúc động hàng triệu trái tim.
Nhưng câu chuyện về thầy Đuy-sen không chỉ có trong văn học. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta đã vô cùng xúc động và khâm phục về hình ảnh những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó là câu chuyện giáo viên cắm bản vượt lũ ở Quảng Bình. Đó là sáng kiến tự gây quỹ nấu cơm trưa giữ học sinh ở lại lớp của thầy cô ở vùng sâu vùng xa Kon Tum. Hay đó đơn giản là hạnh phúc khi dạy các em học sinh “cá biệt” nên người của người thầy ở Hà Nội… Và còn hàng trăm ngàn thầy cô khác đang thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy - những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Để tạo nên một nền giáo dục có chất lượng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Chỉ như vậy, mỗi giáo viên mới thực sự là một tấm gương để học sinh noi theo, từ đó tạo nên những thế hệ con người Việt Nam sống yêu thương và trách nhiệm.
Chính vì lẽ đó, người thầy vẫn luôn là người truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò. Cho dù ngày nay cuộc sống có hiện đại, có thay đổi đến đâu đi chăng nữa thì chuẩn mực của đạo nghĩa “tôn sư trọng đạo” trong văn hóa Việt vẫn không hề đổi thay. Truyền thống ấy được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức 20/11 hàng năm là để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nhưng trước hết, xã hội cần dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người.
NGÔ GIA