.

Đa dạng nguồn vốn đầu tư hạ tầng

Cập nhật: 19:06, 27/11/2020 (GMT+7)

Mới đây, tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” diễn ra tại TP. Vũng Tàu, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức, một trong những vấn đề được các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước đặt câu hỏi là huy động nguồn vốn từ đâu để đầu tư hạ tầng?

Thực tế cho thấy, do thiếu vốn, nhiều công trình hạ tầng bị ngưng trệ, không triển khai được, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn tại Đông Nam Bộ, nhiều dự án đã được duyệt quy hoạch từ các giai đoạn trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được như dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hoặc dự án đường Vành đai 3 (qua Bình Dương, Đổng Nai, TP.Hồ Chí Minh) đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, có tổng chiều dài 98,5km với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020, thế nhưng chỉ trừ một đoạn 16km được Bình Dương xây dựng xong năm 2011, đến nay vẫn tạm ngưng do phải “chờ vốn”.

Vậy làm thế nào để có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tránh “trông chờ” vào NSNN eo hẹp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lớn đến nguồn thu ngân sách. Theo các chuyên gia kinh tế, đó là cần đa dạng hóa nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau để cùng đầu tư hạ tầng. Đây là lời giải cũ, nhưng luôn phù hợp. Theo TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng Đông Nam Bộ về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích DN tham gia. Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Như vậy, đặt áp lực quá lớn cho ngành ngân hàng vì đầu tư rất dài hạn. Do đó, giải pháp là cần đa đạng hoá các nguồn lực đầu tư, Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư và các chủ đầu tư phải tăng nguồn vốn tự có. Ngoài ra, cần tăng cường nguồn huy động từ trong và ngoài nước như FDI, ODA. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và cho phép cơ chế chia sẻ rủi ro, phương án tài chính của dự án và cho phép DN dự án có thể phát hành trái phiếu để đầu tư cho công trình kết nối giao thông.  Như vậy, với cơ chế huy động vốn phù hợp cũng giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực cho vay và chia sẻ được rủi ro đối với các dự án giao thông. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng cũng tham gia được nhiều hơn vào nhiều dự án. Các tổ chức luôn xem xét đầu tư bảo đảm trên nguyên tắc cân đối nguồn lực của ngành ngân hàng. Không có hạn chế nào đối với dự án giao thông, quan trọng là tính khả thi của các dự án đó.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, mặc dù đầu tư công vẫn là hình thức phổ biến nhưng hầu hết các nước đều có chương trình, kế hoạch để huy động tư nhân tham gia tài trợ, quản lý dự án kết cấu hạ tầng. Nhu cầu lớn về vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nợ công tăng cao ở cả các nước phát triển và đang phát triển đòi hỏi chính phủ phải kêu gọi sự tham gia của khối tư nhân. Và đầu tư theo phương thức đối tác PPP là phương thức phù hợp, hiệu quả thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ - khu vực tư nhân - cộng đồng.

PHAN HÀ

.
.
.