Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa
Cậu tôi, định cư tại Australia hơn 30 năm. Lâu lâu, cậu mới về thăm quê, dịp này vài năm trước, do thay đổi khí hậu, nên khi về Việt Nam, cậu bị cảm sốt. Ngay lập tức, cả nhà xúm xít chăm sóc, mẹ tôi nhanh chân ghé ngay hiệu thuốc gần nhà, kể bệnh của cậu cho cô bán thuốc và đem về cho cậu nguyên một bịch lớn, trong bịch lớn ấy chia ra thành nhiều bịch nhỏ, với nhiều viên thuốc đủ màu sắc. Ở trong mỗi bịch nhỏ có kèm theo mẩu giấy, ghi chú đậm nét bằng bút dạ xanh vắn tắt: ngày 3 lần, sau ăn, mỗi loại 1 viên/lần!
Cậu tôi nhất quyết không uống. Cậu nói, có bệnh thì phải đến bác sĩ khám, mua thuốc phải có toa bác sĩ. Cậu còn kể khá dài dòng, rằng ở bên Australia, muốn mua được thuốc để điều trị cảm sốt không hề dễ, nhà thuốc không bao giờ bán các loại kháng sinh mà không có toa của bác sĩ. Cùng lắm, chỉ mua được thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị mà thôi. Cậu còn giải thích một buổi với mẹ tôi và các dì về tác hại khôn lường của uống thuốc vô tội vạ, không theo chỉ định của bác sĩ. Về sau này, cơ thể kháng thuốc, có bệnh dù nhẹ cũng khó lòng mà chữa được!
Trong suốt mấy ngày cậu tôi bệnh, ai ghé chơi cũng hỏi “đã uống thuốc gì chưa” và tư vấn đủ các loại thuốc được cho rất hiệu quả trong điều trị cảm sốt và ho. Cậu tôi lại dành thời gian để “tuyên truyền” về tác hại của việc tự ý điều trị bằng các loại kháng sinh với mong muốn những người bạn của mình hạn chế sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh.
Tôi cũng nhớ về một trường hợp khác, ở ngay tại BR-VT, là bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, không thể chữa trị được, dù bệnh nhân còn rất trẻ và là một vận động viên từng rất khỏe mạnh. Điều đáng nói là, bệnh nhân đã dấu bệnh, tự tìm kiếm các loại kháng sinh để điều trị trong suốt thời gian dài. Cho đến khi sức khỏe suy kiệt, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện và đã không qua khỏi dù bác sĩ đã sử dụng những loại kháng sinh thế hệ mới nhất.
Trên thực tế, không chỉ với bệnh lao mà nhiều bệnh lý khác cũng đang rơi vào tình trạng kháng thuốc do người bệnh lạm dụng kháng sinh, sử dụng bừa bãi, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Xu hướng tự mua thuốc điều trị vẫn còn khá phổ biến ở nước ta càng làm cho tình trạng kháng thuốc trở nên trầm trọng.
Trước nguy cơ kháng thuốc trở thành vấn nạn toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động lời kêu gọi về chống kháng thuốc. Từ năm 2013, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của WHO và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” là chủ đề của Tuần lễ phòng, chống kháng thuốc năm 2020 vừa được Bộ Y tế chủ trì tổ chức phát động tại Hà Nội ngày 25/11.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Bởi vậy, việc phòng, chống kháng thuốc không chỉ khu trú ở người mà còn đối với gia súc, gia cầm, thủy cầm. Tại Việt Nam, kháng thuốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và cả nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta. Muốn hiệu quả trong phòng, chống kháng thuốc, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các bộ ngành liên quan.
Nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay, không tuân thủ đúng quy trình khám chữa bệnh, không sử dụng kháng sinh ở cả người và động vật đúng chỉ định thì nguy cơ ngày mai không có thuốc chữa là khó tránh khỏi.
THẢO TRẦN