.

Bền bỉ giúp dân thoát nghèo

Cập nhật: 20:39, 17/11/2020 (GMT+7)

Hơn 81 tỷ đồng được huy động từ các tổ chức, cá nhân cho Quỹ “Vì người nghèo” trong 5 năm qua. Đã có 1.385 căn nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, xây tặng; hàng trăm ngàn thẻ BHYT đã được mua cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... 

Những con số “biết nói” ấy đã thể hiện sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể cùng chung tay giúp đỡ để những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, rồi tự vươn lên, đứng vững. 

Những giúp đỡ từ nho nhỏ, đến rất to, như phần quà dịp lễ, Tết, khi giáp hạt, tấm thẻ BHYT, suất học bổng cho HSSV, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, sản xuất... hỗ trợ xây nhà để an cư lạc nghiệp, việc nào cũng được các tổ chức, đoàn thể kiên trì làm đến nơi, đến chốn, với cái đích cuối cùng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Gia đình chị Lê Thị Kim Huế (ấp 3, xã Hòa Hội) từng là hộ nghèo chuẩn quốc gia ở địa phương. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm thợ hồ, bản thân chị Huế chỉ quanh quẩn ở nhà với mấy sào tiêu và chăm sóc cô con gái 8 tuổi bị bại não bẩm sinh. Đầu năm 2017,  chị Huế được Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ giới thiệu để vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua 2 con bò giống, đến nay bò đã sinh trưởng phát triển tốt. Cùng năm đó, chị Huế được Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị đã vơi bớt khó khăn. Sau đó không lâu, gia đình chị Huế thoát nghèo, nhưng chị vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể địa phương suốt mấy năm liên tục để chống tái nghèo. 

Không chỉ quan tâm chăm lo về vật chất cho người nghèo, thời gian qua, các địa phương cũng tích cực vận động nhà hảo tâm thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Điển hình như ở huyện Châu Đức, liên tục trong vài ba năm trở lại đây đã vận động các tổ chức, DN trên địa bàn tặng tivi cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chiếc tivi đã trở thành “người bạn” thân thiết của các cụ già neo đơn, “kênh” phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các hộ nông dân, sản xuất nhỏ... 

Có thể thấy, ở BR-VT, những gia đình được chính quyền địa phương, đơn vị, đoàn thể, bà con chòm xóm cùng đồng hành để từng bước thoát khỏi cơn bĩ cực, ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo không phải hiếm gặp. Danh sách những gia đình được “giúp đủ thứ” mỗi ngày một nhiều hơn, kể cả quần áo, tập vở, cây quạt máy, nồi cơm điện... để bảo đảm cho những sinh hoạt cơ bản trong gia đình. Quan trọng hơn, thông qua những chia sẻ ấy là sự lan tỏa tình người, tình yêu thương, đùm bọc trong cộng đồng. 

Những ngày này, ở khắp các khu dân cư, tổ dân phố diễn ra các hoạt động sôi nổi của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Ở Ngày hội, ngoài sự gặp mặt, các gia đình ở khu dân cư còn thấu hiểu nhau hơn để có sự chia sẻ cần kíp. Đây cũng là dịp để chính quyền cơ sở rà soát, nắm chắc số lượng, nhu cầu của các hộ để phân chia thành từng nhóm, phân tích, tìm nguyên nhân cụ thể, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp này, nhiều khu dân cư đã vận động để tặng thẻ BHYT cho người nghèo, học bổng cho HS nghèo và nhiều phần quà ý nghĩa khác cho các trường hợp yếu thế. 

Lấy sức dân để chăm lo cho dân nếu được vận dụng tốt ở cấp cơ sở sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững. Những “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” là phương tiện, công cụ hiệu quả để cán bộ cơ sở gần dân hơn, bà con chòm xóm hiểu nhau hơn và trên hết là sự chia sẻ kịp thời, thiết thực, đúng nhu cầu của người nghèo khó.

Và để không ai bị bỏ lại phía sau, rất cần sự nắm tay thật chắc, bền bỉ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân ở cộng đồng để giúp người nghèo khó không chỉ qua cơn bĩ cực...

ĐỨC MINH

 
.
.
.