Xóa điểm đen tai nạn giao thông
Theo định nghĩa của ngành giao thông, “điểm đen tai nạn giao thông” là nơi mà tại đó thường xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Tiêu chí xác định “điểm đen tai nạn giao thông” là nơi nào mà trong 12 tháng xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng hoặc 3 vụ TNGT trở lên - trong đó 1 vụ có người chết và từ 4 vụ trở lên nhưng chỉ có người bị thương thì vị trí đó được xác định là “điểm đen tai nạn giao thông”.
Thống kê của Vụ An toàn giao thông (Bộ GT-VT) cho thấy, trên các tuyến Quốc lộ hiện vẫn còn tồn tại hàng ngàn điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT - trong đó có những “điểm đen” tồn tại dai dẳng cả chục năm nay cần được khắc phục, xóa bỏ.
Tại BR-VT, các Quốc lộ 51, 55, 56, các Tỉnh lộ 44, 328, 329, đường ven biển, đường nội ô ở một số xã, thị trấn có nhiều điểm đen giao thông được ghi nhận.
Quốc lộ 51, đoạn đi qua TX. Phú Mỹ chỉ dài hơn 10km nhưng lại có đến 6 điểm đen, 12 điểm tiềm ẩn TNGT, thật sự là nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông và cư dân địa phương. Tại những nơi này đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc, gây thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản. Theo thống kê của Công an TX. Phú Mỹ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thị xã đã xảy ra 69 vụ TNGT, làm chết 62 người và bị thương 46 người, thiệt hại tài sản ước tính gần 300 triệu đồng. Tính ra, cứ khoảng 3 ngày trên địa bàn TX. Phú Mỹ lại xảy ra 1 vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1 người. Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) nhận định, ngoài ý thức tham gia giao thông chưa cao ở một số bộ phận người dân thì hạ tầng giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT trên Quốc lộ 51.
Phần lớn các điểm đen giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT là do con người. Trong quá trình thiết kế, thi công hạ tầng giao thông, các nhà thiết kế đã “bỏ quên” hoặc không nhận ra các bất cập về mặt hạ tầng có thể dẫn đến sự cố cho các phương tiện tham gia giao thông. Những yếu kém, bất hợp lý trong công tác tổ chức giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Việc rà soát, nhận diện rõ điểm đen giao thông và điểm tiềm ẩn TNGT để có biện pháp giải quyết là điều không khó. Kinh phí để xóa bỏ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT ở các địa phương mới chính là bài toán hóc búa. Xin được trích dẫn một con số: Chỉ trong vòng 5 tháng từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2020, CSGT toàn quốc đã phát hiện gần 3.000 bất hợp lý về tổ chức giao thông, hàng chục điểm đen TNGT và chuyển kiến nghị cho ngành GT-VT. Nhưng chỉ hơn 10% trong số đó được khắc phục. Thiếu kinh phí, cơ chế phối hợp của các đơn vị có liên quan là một trong những nguyên nhân khiến nhiều điểm đen giao thông chậm được khắc phục, xóa bỏ.
Phát biểu tại chương trình “Người bạn đường” và lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2020 tại Việt Nam do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 15/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Trương Hòa Bình kêu gọi hãy cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông, văn hóa giao thông an toàn và thân thiện. Với tinh thần đó, việc xóa bỏ các điểm đen giao thông cần được xem là ưu tiên số 1. Sở GT-VT các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê và bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm các điểm đen giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Trước mắt, khẩn trương đặt rào chắn hỗ trợ tại các khu vực địa hình nguy hiểm; mở rộng tầm nhìn, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, bố trí lại biển hạn chế tốc độ; đặt gờ giảm tốc, dải phân cách; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác, điều hành giao thông vận tải, đặc biệt là nơi có mật độ giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Công tác tuyên truyền và thực hành an toàn giao thông với mục tiêu nâng cao ý thức an toàn giao thông cho người dân cũng cần được chú trọng. Chỉ như vậy mới tạo ra sự chuyển biến thật sự về công tác xoá điểm đen giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
NGUYỄN HƯNG NHƠN