.

Bàn thêm về liên kết phát triển du lịch

Cập nhật: 19:55, 07/07/2020 (GMT+7)

Những ai quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch Đông Nam Bộ hẳn sẽ rất vui khi biết rằng một hội nghị về chủ đề này vừa được tổ chức vào ngày 28/6 vừa qua. 

Với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ mang đến kỳ vọng tiềm năng du lịch vùng sẽ được khai thác mạnh mẽ, đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng. Cơ sở của niềm tin và sự lạc quan này là hội nghị không dừng lại ở các tuyên bố mà còn ký kết bản thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh thuộc vùng. Ba tuyến sản phẩm liên vùng mới cũng được công bố,  bao  gồm: TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ”; TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát,  sắc biển hòa ca”. 

Vấn đề liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đã được đặt ra từ lâu, ngay từ khi có chủ trương hình thành và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếc rằng trên thực tế, các địa phương thuộc vùng vẫn ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu tính liên kết nên hiệu quả không đáng kể. Phải đến lần này mới có sự bàn bạc cụ thể với nhiều giải pháp có tính khả thi cao nhằm phát huy những lợi thế của toàn vùng.

Mỗi địa phương có một thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Liên kết và khai thác được các thế mạnh của từng địa phương sẽ tạo ra những chuỗi giá trị mới, từ đó định vị thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, để việc xây dựng thương hiệu du lịch toàn vùng đạt hiệu quả, cần phải có thêm nhiều “cú hích” nữa. Cái thiếu của du lịch miền Đông Nam Bộ là sự phân công thực hiện mối liên kết cũng như tổ chức hội nghị luân phiên để sơ kết, đánh giá tình hình. Từ việc phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho đến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch… nếu có sự điều phối của một “nhạc trưởng” chắc chắn thế mạnh của du lịch toàn vùng sẽ được khai thác mạnh mẽ, xóa bỏ tình trạng “mạnh ai nấy làm”, đầu tư dàn trải, thiếu điểm nhấn. Cũng vì thiếu một cơ chế điều phối đủ mạnh mà thời gian qua, sự phối hợp giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ còn rời rạc, chưa tạo động lực cho sự phát triển du lịch toàn vùng. 

Liên kết là xu hướng tất yếu của du lịch, các địa phương vùng Đông Nam Bộ không thể nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Bởi lẽ, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Và để “cùng nhau đi xa”, DN du lịch cũng như các cơ quan quản lý du lịch trong vùng phải thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”.  

Tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ ngày 28/6, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam có một gợi ý hết sức thú vị, đó là các địa phương trong vùng cần đoàn kết để thực hiện trọn vẹn năm chữ “Kết”: Kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng; kết nối kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực; kết nối nhưng không hòa lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có. 

Có sự đoàn kết, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng sẽ được khai thác đồng bộ và mạnh mẽ, thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Đông Nam Bộ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.