Mỗi xã một sản phẩm
Năm 1979, GS. Hiramatsu, Chủ tịch tỉnh Oita đã khởi xướng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (One village, One product - OVOP) đem lại thành công lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và sau đó lan ra toàn đất nước Nhật Bản. Từ một tỉnh nghèo, Oita được gần như cả thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kabosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki…
Thành công và sức hấp dẫn của phong trào OVOP còn lan tỏa từ nước Nhật đi nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Qua thực tế, OVOP được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong việc cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn, năng động kinh tế làng xã, thu nhập địa phương, đoàn kết xã hội, phát triển du lịch… Ở nước ta, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product - OCOP), đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu cả nước triển khai thực hiện chương trình một cách bài bản, có hệ thống.
Đến nay chương trình đã lan rộng cả nước, BR-VT cũng không là ngoại lệ. Với mục tiêu tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, mang tính đặc trưng của mỗi vùng, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đến nay trên địa bàn tỉnh có 48 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP với hơn 100 sản phẩm. Các sản phẩm đã được các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Đã có 17 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được Sở Công thương tổ chức đánh giá chất lượng trong năm 2019. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã triển khai xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như: Hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, bún, bánh tráng, hàu…
Có thể nói, hơn 100 sản phẩm OCOP của BR-VT đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, với những hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ không ổn định; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước… Một trở ngại lớn nhất là hiện chưa có nhiều nông dân, HTX biết đến chương trình OCOP. Những vấn đề này đang là rào cản lớn của việc triển khai thực hiện chương trình OCOP tại BR-VT hiện nay.
BR-VT muốn thành công với chương trình này, trước hết cần phải xác định mục tiêu của OCOP không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để xây dựng thương hiệu dựa vào đặc trưng của từng xã, huyện. Với các nông sản thế mạnh chung của nhiều địa phương khác nhau, sẽ có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu chung cấp huyện hoặc tỉnh chứ không nên cứng nhắc “cứ mỗi xã một sản phẩm” sẽ gây khó khăn trong sản xuất, quản lý. Mỗi địa phương đều có nét văn hóa riêng, do vậy, cần tạo ra những sản phẩm đặc trưng dựa trên giá trị văn hóa đó để tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP. Kinh nghiệm từ các mô hình đi trước cho thấy, điểm cốt lõi của OCOP là mỗi xã phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh nhất mà địa phương khác không có. Chính quyền sẽ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.
Và tất nhiên, để có sự thành công của chương trình OCOP, ngoài vai trò chính về chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt của chính quyền địa phương là sự vào cuộc tích cực với tư duy sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu, sự chịu khó học hỏi, tiếp cận kinh tế thị trường, hợp tác sản xuất của người dân, của chủ DN, HTX.
NGÔ GIA