.

Đừng để thua trên sân nhà

Cập nhật: 08:12, 04/07/2020 (GMT+7)

Đi làm về nhà bị cúp điện, tôi chạy vội ra cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa trưa. Sau khi chọn thịt bò, sườn, hành tây, rau muống, cà chua… để lại quầy tính tiền thì bạn nhân viên vội nói: “Chị ơi hôm nay cúp điện, cửa hàng không có máy phát nên em chỉ tính tiền cho chị được thịt bò và sườn thôi. Còn rau củ, trái cây thì em không cân được, chị vui lòng để lại”. Khá ngạc nhiên, tìm hiểu thêm thì được biết, mỗi lần cúp điện thì toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ này đều lâm vào tình trạng như vậy.

Không có điện, nghĩa là các sản phẩm như thịt, cá, tôm và một số sản phẩm cần bảo quản đông lạnh đều có thể bị hỏng, ôi, không bảo đảm độ tươi ngon và ATVSTP. Trong khi theo thông báo của công ty điện lực thì thời gian cúp điện từ 8 đến 16 giờ để sửa chữa hệ thống lưới điện. Tất nhiên, sau đó không chỉ rau, củ mà tôi cũng để lại cả sườn, thịt bò. Nhiều khách hàng cùng vào mua thực phẩm hôm đó cũng đã làm như vậy vì không yên tâm về chất lượng sản phẩm do không được bảo quản đúng cách. Chắc chắn rằng tôi cũng sẽ cân nhắc lại về việc mua sản phẩm tại hệ thống này.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ, thế nhưng trên thực tế, trước sự cạnh tranh gay gắt của hệ thống bán lẻ hiện đại đang ngày một phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì đòi hỏi sự chăm chút cho từng sản phẩm lại đang là một yêu cầu bức thiết. Bên cạnh đó, hạn chế của thị trường bán lẻ trong nước là chi phí thuê mặt bằng đang quá cao, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, nguồn cung ứng chưa ổn định, hàm lượng công nghệ trong quản lý còn yếu sẽ làm gia tăng thách thức cho các DN bán lẻ Việt.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ hiện nay không còn là sân chơi riêng của các DN trong nước mà đã trở thành “mảnh đất” hấp dẫn các “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, việc ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA..., cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các DN nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Các chuyên gia nhận định, DN bán lẻ muốn phát triển và đủ sức cạnh tranh cần nghiên cứu xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp cho khách hàng sự trải nghiệm liền mạch; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cơ hội cho nhãn hiệu riêng hoặc sản phẩm phân phối độc quyền; khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng. Nếu không có chiến lược tốt, DN bán lẻ Việt sẽ mất dần thị phần và có thể thua ngay trên sân nhà.

 LAM GIANG

.
.
.