.

Tránh thông tin gây nhiễu

Cập nhật: 06:48, 29/06/2020 (GMT+7)

Đất nước đang trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng: Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại BR-VT, đến nay, đã có 559 tổ chức, cơ sở Đảng tiến hành xong đại hội.

Theo đánh giá, công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội được thực hiện thành công. Nhân sự BCH khóa mới ở các cơ sở Đảng đúng với dự kiến, được tín nhiệm và trúng cử với số phiếu cao (từ 94,7% đến 100%). Việc lựa chọn nhân sự thực sự dân chủ, khách quan, minh bạch. Người được lựa chọn vào BCH các chi bộ, Đảng bộ đều tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín. Kết quả đó, tạo tiền đề vững chắc để BR-VT đi đến thắng lợi cuối cùng trong kỳ Đại hội lần này. 

Tuy nhiên, Đại hội Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng và vô cùng nhạy cảm. Đây là thời điểm thường xuất hiện khiếu nại, tố cáo liên quan đến đảng viên. Có tố cáo vì mục đích tốt đẹp, nhưng cũng không loại trừ những khiếu nại, tố cáo xuất phát từ động cơ cá nhân. Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị đã tiên liệu và đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đảng các cấp: “phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn”. Do đó, trong thời điểm này, việc thực hiện kịp thời công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng là vô cùng quan trọng, cấp bách để làm trong sạch tổ chức Đảng. Đồng thời, qua đó cũng giải quyết những nghi kỵ, uẩn khúc trong dư luận xã hội và nội bộ tổ chức Đảng; góp phần xây dựng và củng cố đoàn kết trong Đảng, đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, trí tuệ trong đại hội đảng bộ các cấp, tạo điều kiện bầu ra cấp ủy khóa mới đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo.

Ngoài khiếu nại, tố cáo, đang nảy sinh tình trạng lợi dụng thời điểm nhạy cảm để tung thông tin gây nhiễu, ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. So với khiếu nại, tố cáo thì thông tin gây nhiễu rất nguy hiểm. Tố cáo thường đi với sự việc cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xử lý, để kết luận đúng sai; còn thông tin gây nhiễu là dạng thông tin trắng - đen không rõ ràng, chứng cứ không thuyết phục, chủ yếu để gây nên sự hoài nghi. Những lĩnh vực thường bị gây nhiễu thông tin là quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, phê duyệt dự án, đầu tư xây dựng cơ bản, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, công tác cán bộ… Con đường phát tán thông tin gây nhiễu thường là qua đồn thổi, qua mạng xã hội. Nhưng cũng có thông tin xuất phát từ một số tờ báo. Cơ quan báo chí đưa tin thiếu kiểm chứng, phiến diện, một chiều đi kèm với những nhận định chủ quan, quy chụp, sai bản chất… gây nên những dư luận xấu về cán bộ, đảng viên đương chức.

Có những tờ báo khi đưa tin sai, bị các cấp chính quyền phản hồi đã không tiếp nhận, thiếu trách nhiệm trong xử lý phản hồi, không đăng thông tin cải chính, đính chính dẫn đến nghi kỵ, uẩn khúc tồn tại, kéo dài. Mạng xã hội với nhiều phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối đã lợi dụng, khoét sâu thông tin, tạo nên luồng dư luận xấu, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân lãnh đạo, tổ chức Đảng cơ sở.

Thực tế, kể cả khi bị khiếu nại, tố cáo, thì cán bộ, đảng viên có liên quan chưa hẳn đã sai. Do đó, để tránh tâm lý hoài nghi, loại bỏ thông tin gây nhiễu, ngoài việc triển khai tốt công tác xử lý khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, thì mỗi đảng viên cần tỉnh táo nhận diện để có cái nhìn chính xác, trí tuệ về đội ngũ lãnh đạo cấp ủy tương lai. Các cấp chính quyền khi đối diện với những thông tin gây nhiễu, thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người thuộc diện quy hoạch, cần xử lý đến nơi đến chốn, với tinh thần cương quyết, không ngại va chạm.

 HOÀNG NAM

.
.
.