Nghĩ về "chiếc bánh" ngân sách
Cách đây hơn 1 tháng, báo chí trong nước đề cập đến sự kiện 1 huyện thuộc 1 tỉnh miền Trung bỏ ra 14 tỷ đồng ngân sách để xây dựng Tượng đài Chiến thắng. Dư luận đặt câu hỏi, với tỷ lệ hộ nghèo 25,61%, đang được Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn 30a để giúp dân thoát nghèo, huyện này có nhất thiết phải xẻ đồi, triển khai xây dựng tượng đài 14 tỷ đồng, 3 năm qua vẫn chưa hoàn thành?
Cùng thời điểm, báo chí trong nước cũng “nóng” lên vụ 1 tỉnh ở miền Tây phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp với kinh phí 400 tỷ đồng nhằm “tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, vai trò to lớn của nông dân”. Báo chí dẫn lời phản biện của các chuyên gia, tổ chức, đoàn thể, rằng cái mà người dân cần vào lúc này là nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nông sản làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt. Khi cuộc sống người dân bớt khó khăn xây tượng đài cũng không muộn.
Phản ứng của dư luận và người dân ắt hẳn có nguyên nhân từ việc nhiều địa phương, bộ, ngành mua sắm, sử dụng tài sản cũng như việc sử dụng vốn ngân sách một cách tùy tiện, không theo một chỉ tiêu, kế hoạch nào mà hậu quả là nhiều công trình ngàn tỷ thi công xong bị bỏ hoang hoặc không khai thác hết công suất.
Sốt ruột trước việc quản lý, sử dụng ngân sách chưa chặt, thiếu kỷ cương, dẫn đến sử dụng thuế của dân thiếu hiệu quả, nhiều tổ chức xã hội và chuyên gia kinh tế đã kiến nghị Nhà nước giám sát chặt chẽ đầu tư công để “chiếc bánh” ngân sách không rơi vào tình trạng phân tán, thất thoát, lãng phí…
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, ngân sách Nhà nước những năm qua như “chiếc bánh” đang nở dần lên. Nhưng đi cùng với nó là tình trạng bội chi, căng thẳng liên tục, sự thất thoát nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi. Cơ chế quản lý ngân sách - dù đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn nặng về cấp phát giao nộp đã được gọi đích danh là một thủ phạm gây ra tình trạng cát cứ, phân tán, phá vở kỷ cương, kỷ luật, làm suy yếu nguồn lực Nhà nước, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng, “lợi ích nhóm” diễn ra ở các cấp. Một ngân sách lành mạnh phải thay đổi tình trạng đó và hơn thế, phải khuyến khích tạo ra và nuôi dưỡng các nguồn thu đáp ứng tinh thần tự lực, tực cường xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đầu tư công tràn lan, không hiệu quả đang là một thách thức nghiêm trọng đối với quản lý Nhà nước, đòi hỏi Chính phủ có sự kiểm soát hiệu quả, kiên quyết lập lại trật tự trong chi tiêu ngân sách. Kịp thời phát hiện và nói “không” trước những dự án xây dựng với mức đầu tư “khủng” nhưng chưa thật sự cần thiết hoặc đầu tư sai mục đích, không có giá trị sử dụng, không chỉ dọn dẹp cho môi trường phát triển được phong quang mà còn giảm cho ngân sách những khoản thất thoát, lãng phí không nhỏ.
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông khóa XII thông qua và chính thức có hiệu lực thi thành từ năm 2017 được các chuyên gia đánh giá là có nhiều ưu điểm, trong đó tính minh bạch, công khai được đề cao cùng với quy định các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách kèm báo cáo thuyết minh. Các thủ tục ngân sách Nhà nước cũng được công khai và ngân sách Nhà nước chịu sự giám sát của cộng đồng. Tuy nhiên thực trạng quản lý ngân sách vẫn đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa về chi tiêu ngân sách.
Cho dù Luật Ngân sách Nhà nước có hoàn hảo đến đâu, sự kiểm soát có chặt chẽ đến mấy cũng không thể có hiệu quả nếu không xóa bỏ được cơ chế xin - cho, không minh bạch hóa được việc phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai ngân sách Nhà nước mới có thể tạo ra sự minh bạch trong quản lý về tài chính, kinh tế và sử dụng ngân sách. Đương nhiên bên cạnh đó cũng cần ráo riết thực hiện chủ trương tiết kiệm không chỉ bằng cuộc vận động đạo đức mà bằng cả việc thiết lập các nguyên tắc chi tiêu, các định mức hợp lý cho mỗi cơ quan Nhà nước, cho mỗi bộ, ngành, địa phương.
“Chiếc bánh” ngân sách có được sử dụng đúng mục đích hay không, có đạt hiệu quả đầu tư hay không tùy thuộc vào hiệu quả giám sát của nhân dân và sự quản lý tích cực của Nhà nước.
NGUYỄN HƯNG NHƠN