.

Xây dựng một thị trường cạnh tranh trong ngành điện

Cập nhật: 20:43, 25/06/2020 (GMT+7)

Thời gian gần đây nhiều người dân bức xúc về cách tính tiền điện và nghi ngờ tính chính xác trong việc đo lượng điện tiêu thụ. 

Người dân hoàn toàn có cơ sở khi nghi ngờ ngành điện có sự nhầm lẫn trong việc tính tiền điện cho khách hàng. Bởi trên thực tế đã có một số trường hợp bị như vậy. Điển hình là vụ việc bà Đào Thị Gái (địa chỉ thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bị tính nhầm tiền điện lên gần 90 triệu đồng. Hay như mới đây một người dân Hà Tĩnh choáng váng khi nhìn con số 13,5 triệu đồng trên hóa đơn tiền điện tháng 6, trong khi tháng 5 người này chỉ trả 71.000 đồng tiền điện.

Tại tỉnh BR-VT cũng đã có trường hợp khách hàng Bùi Thái Giang trên địa bàn xã Tam Phước, huyện Long Điền bị ghi sai chỉ số công tơ điện dẫn đến việc tính nhầm tiền điện. Nguyên nhân do khách hàng thường xuyên vắng nhà và trụ điện đặt trong sân nhà khóa cổng nên đại lý ghi điện không ghi được chỉ số công tơ, do vậy đại lý ghi điện đã căn cứ vào chỉ số tiêu thụ trung bình của các tháng trước nên có sự chênh lệch về số liệu thực tế. Sau khi kiểm tra, xác minh, Điện lực Long Điền đã phải thực hiện việc tính toán, hoàn tiền chênh lệch cho khách hàng.

Trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Theo EVN, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó. 

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 19/6, EVN lý giải việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Về độ chính xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa: “Khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện” - EVN nêu rõ. Tuy nhiên, lời giải đáp của EVN vẫn không thuyết phục được người dân. 

Phá vỡ thế độc quyền của ngành điện là điều mà nhiều người mong muốn hiện nay. Bởi có như vậy thì người dân sẽ được cung cấp điện với giá phù hợp, chất lượng ngày càng cao và không còn phải chịu cảnh giá điện chỉ có tăng mà không thấy giảm cũng như sự sai sót trong việc tính tiền điện cho khách hàng. Khi thị trường điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường thì từng người sử dụng có thể mua điện của các nhà cung cấp phù hợp, thúc đẩy đa dạng nguồn phát điện, giảm chi phí, hạn chế tổn thất điện năng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên trước mắt khi chưa làm được việc xây dựng một thị trường cạnh tranh trong ngành điện thì các cơ quan chức năng cần tổ chức việc kiểm tra, giám sát việc thu tiền điện của người dân. Về phía ngành điện cũng nên thường xuyên kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ điện để kịp thời phát hiện những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường nhằm tránh xảy ra sự nhầm lẫn trong tính tiền điện đối với người dân.

PHƯƠNG ANH

.
.
.