Thấm đau vì "thẻ vàng" của EC
Đã 2 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam về đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), tình hình xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam bị tác động rõ rệt. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau “thẻ vàng”, EU đã tụt xuống vị trí thứ 5.
Việc ngư dân vi phạm IUU kéo theo hàng hoạt hệ lụy cho DN xuất khẩu thủy sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thủy sản Việt Nam đã mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu sang EU. Dự báo năm nay, khả năng kim ngạch thị trường này chỉ đạt 1,35 tỷ USD, giảm 8%. Giám đốc một DN chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh cho biết, việc bị “thẻ vàng” khiến hầu hết các container hàng hải sản xuất khẩu của DN Việt Nam bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Hiện nay 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất sang EU phải mất 10-20 ngày kiểm tra, thời gian kéo dài rủi ro tăng, chi phí cũng tăng, gây áp lực rất nhiều cho DN. Thủ tục chứng từ rất phức tạp khiến chi phí tăng lên. Riêng về chi phí để trả khi bị kiểm tra hàng, trung bình một container hàng hải sản xuất sang EU phải tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng). Thị trường xuất khẩu sang EU của DN này từ 30% cũng đã giảm xuống 15%. Cũng theo chủ DN này, thị trường Mỹ cũng bắt đầu có các dấu hiệu tương tự như EU và khả năng họ cũng sẽ điều tra, hiện nay đã áp dụng trên một số mặt hàng.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với hàng hải sản nhập khẩu vào thị trường EU. Thứ nhất, IUU cấm các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển cấm đánh bắt. Thứ hai, những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với cơ quan chức năng nhằm tuân thủ pháp luật trong nước và quốc tế. Cuối cùng, các tàu đánh cá phải treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác hải sản quá mức. Trên thực tế, “thẻ vàng” của châu Âu đối với thủy sản khai thác của Việt Nam về khía cạnh tích cực là một cú hích cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Cụ thể 2 năm qua, các bộ ngành, địa phương liên quan và hiệp hội, DN nỗ lực để chứng minh cho EU thấy được Việt Nam có kế hoạch rõ ràng trong việc khắc phục những tồn tại của ngành đánh bắt hải sản hiện nay. Tuy nhiên, bài toán khó nhất để giải quyết “thẻ vàng” xuất phát từ tàu đánh bắt và mức độ tuân thủ của ngư dân. Riêng đối với BR-VT, dù có nhiều nỗ lực nhưng tỉnh cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chống khai thác IUU như: Các tổ chức quản lý cảng cá và các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng có lập sổ sách, ghi chép biểu mẫu nhưng chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác còn sai sót. Đặc biệt, việc tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra.
Những hạn chế này nếu không sớm được khắc phục thì bài toán “gỡ thẻ vàng” sẽ càng khó có kết quả.
Theo kế hoạch, đầu tháng 11/2019, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Chỉ còn đúng 2 tháng, nếu giải quyết được các vấn đề, từ “thẻ vàng” sẽ được chuyển thành “thẻ xanh”. Ngược lại, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị “thẻ đỏ”. Khi bị “thẻ đỏ”, tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và một số quốc gia khác. Thời gian còn lại không còn nhiều, gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ hàng đầu nhưng mục tiêu quan trọng hơn mà chúng ta hướng tới là xây dựng và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đặc biệt là phát triển kinh tế biển bền vững!
NGÔ GIA