Để cho gà đẻ trứng vàng!
Ngày cuối tuần giữa tháng 8, đoàn du khách của Công ty Du lịch lữ hành Lửa Việt từ TP. Hồ Chí Minh tới Vũng Tàu, qua biển Hồ Tràm, nghỉ tối tại khu du lịch suối khoáng Bình Châu, rồi đi tiếp Phan Thiết. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch lữ hành Lửa Việt, tác giả của 2 bộ sách lữ hành “Đi ngày đàng, học sàng khôn”, kiêm hướng dẫn viên; giảng viên kiêm chức khoa du lịch một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với tôi, trước khi đoàn rời Vũng Tàu: “Tôi làm du lịch, chuyên sâu lĩnh vực lữ hành. Tôi say đến mê mẩn nghề lữ hành”. Ông nhận xét: “Du lịch BR-VT đã có bước tiến dài, trật tự hơn, ngăn nắp hơn, xanh hơn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, để gà đẻ nhiều trứng vàng”.
Người ta nói du lịch là ngành công nghiệp không khói, gà đẻ trứng vàng. Không ít quốc gia trên thế giới giàu lên nhanh chóng do biết làm du lịch “nụ cười” bài bản, thân thiện. Trong một quốc gia, cũng như ở từng địa phương, sự giàu nghèo sang trọng, một phần do biết tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế du lịch. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị mới đây về phát triển du lịch đặt mục tiêu, từ sau năm 2020 ngành du lịch phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu du khách quốc tế, gần 80 triệu du khách nội địa, thu 650.000 tỷ đồng từ du lịch. Năm 2019, mặc dù du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc tới Việt Nam có giảm, do hệ lụy chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, căng thẳng trong quan hệ buôn bán Nhật - Hàn, dự kiến Việt Nam vẫn sẽ đón từ 17,5-18 triệu du khách quốc tế, 85 triệu du khách nội địa, thu 700.000 tỷ đồng. Đạt được mục tiêu này sẽ là bước chuẩn bị cơ bản để đến năm 2020 Việt Nam đón hơn 20 triệu du khách quốc tế, 90 triệu du khách nội địa. Năm 2025 sẽ là 25-30 triệu du khách quốc tế; 95-100 triệu du khách nội địa, thu từ du lịch 950.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia du lịch trong tương lai gần, thu hút hơn 10 triệu lao động phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tỉnh Quảng Nam - trục du lịch cố đô Huế - Đà Nẵng - phố cổ Hội An - thánh địa Mỹ Sơn đang là gà đẻ trứng vàng, thu thực chất từ du lịch chiếm quá nửa GDP địa phương, góp phần làm cho kinh tế - xã hội khu vực Trung Trung Bộ chuyển mình, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Các địa phương này nếu gộp lại, mỗi năm thu về hơn 2 tỷ USD từ ngành công nghiệp không khói. Chuyên trang du lịch của nhật báo Thái Lan Bangkok Port ngày 3/9/2019 nhận xét: “Du lịch Việt Nam đang có bước tiến đáng nể, tốc độ phát triển đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia du lịch, với nhiều điểm đến hấp dẫn, với những dự án phát triển du lịch ấn tượng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, BR-VT, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc…
Tuy nhiên, năm 2019, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cảnh báo 3 vấn đề của phát triển du lịch Việt Nam: Đào tạo nhân lực mang tính chuyên nghiệp cho thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0; Coi trọng du lịch xanh, du lịch sinh thái - du lịch đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái; Hạ tầng du lịch và sự phát triển tương xứng các loại hình dịch vụ.
Sự cảnh báo này cần thiết cho sự phát triển du lịch cả nước cũng như du lịch BR-VT. Nhắc lại sự cảnh báo này, trở lại điều mà ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, BR-VT “còn nhiều việc phải làm” cho ngành du lịch, rốt cuộc không phải là kể thành tích mỗi năm đón bao nhiêu triệu du khách mà là du lịch thật sự đem lại lợi ích gì về kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường sinh thái. Cả nước có 23.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề; trong đó BR-VT là một trung tâm du lịch lớn có gần 1.000 hướng dẫn viên trụ lại với nghề. Họ phải là những người được đào tạo bài bản, thông thạo ngoại ngữ, am tường sâu sắc văn hóa Việt để “truyền ngọn lửa Việt” vào du khách, cho du khách khi đón khách ngoại đến Việt Nam cũng như khi dẫn khách từ Việt Nam ra thế giới.
Du lịch - Gà đẻ trứng vàng, bài học của sự thành công luôn luôn mới, nhắc nhở sự vươn tới không ngừng, không bao giờ thỏa mãn, chủ quan, chững lại?
HẢI VÂN