Phát huy vai trò của người cao tuổi
Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) 1/10 hàng năm là ngày hành động do Liên hợp quốc đặt ra nhằm tuyên truyền, cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ NCT. Đây cũng là dịp để các quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá những đóng góp mà NCT đã thực hiện đối với cộng đồng xã hội và đời sống của mỗi gia đình.
Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 11,31 triệu NCT, chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên; 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng và khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công.
NCT Việt Nam là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống và kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, cũng là những lớp người tích lũy được nhiều vốn quý về văn hóa, truyền thống dân tộc, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh… để truyền lại cho các thế hệ con cháu. NCT của nước ta hiện nay là những người đã trải qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và vật lộn với cuộc sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu để vượt qua những thử thách cam go, góp sức cùng cả nước xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Có rất nhiều người ông, người bà trong những gia đình có nhiều thế hệ con cháu chung sống đã lấy đức độ, tình yêu thương để làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc đối với NCT. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và có những quan điểm nhất quán, mang tính hệ thống về vị trí, vai trò, trách nhiệm của NCT đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Trong lời “Hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”, tháng 6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng; đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo”. Kế thừa tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của NCT, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm lo, động viên và giúp đỡ kịp thời đối với NCT. Bằng những việc làm thiết thực: Lấy ngày 6/6 hàng năm làm “Ngày truyền thống NCT Việt Nam”, ban hành Luật NCT; vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò NCT… qua đó, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ tiền bạc, của cải; coi thường luân lý đạo đức, truyền thống gia đình. Trước thực trạng đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống là rất quan trọng và cấp bách. Với vị thế và trách nhiệm của mình, vai trò của NCT càng trở nên cần thiết và càng thêm nhiều ý nghĩa.
Áp lực già hóa dân số, tỷ lệ và số lượng NCT ở nước ta đang tăng nhanh (dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số Việt Nam trên 65 tuổi sẽ vào khoảng 12,9% và nước ta sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”). Những đặc trưng của NCT và thách thức trong công tác chăm sóc, trợ giúp NCT trong bối cảnh mới đang đặt ra nhiều vấn đề mà cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm giải quyết. Có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích khu vực ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT tại cộng đồng. Rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tài chính để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, giúp NCT dễ dàng, thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết. Đồng thời, xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị thế NCT và trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ NCT.
MINH ĐỨC