.

Cái bẫy lãi suất cao

Cập nhật: 20:11, 23/09/2019 (GMT+7)

1. Mấy ngày nay, vợ chồng chị Hồng - bạn tôi - đứng ngồi không yên vì người vay hơn 1 tỷ đồng của anh chị bỗng dưng biến mất. Khoản tiền này anh chị dự tính qua năm tới sẽ xây nhà. Người vay tiền của anh chị là một người bạn thân thiết, được biết đến với cái mác doanh nhân thành đạt, có nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo. Người vay tiền hứa trả lãi suất 4-5%/tháng, cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều lần và khẳng định khi nào muốn lấy lại, chị chỉ cần thông báo trước 1 tháng.

Thấy bạn làm ăn hiệu quả, liên tục đăng hình ảnh khuếch trương trên mạng xã hội, khi là mới mua - bán được miếng đất, khi đổi chiếc xe ô tô, khi chuẩn bị mở cửa hàng mới, anh chị không mảy may nghi ngờ, đồng ý cho vay. Thời gian đầu, người vay trả lãi đều đặn nhưng mới hôm rồi, người ấy đã trốn biệt, gọi điện không nghe, đến trụ sở công ty thì cửa đóng then cài. Tìm hiểu thêm, anh chị mới biết, nhiều người cùng chung cảnh ngộ với mình khi người vay đã xa chạy cao bay!

2. Trong các mối quan hệ công việc của mình, thỉnh thoảng tôi lại nghe thông tin một người quen nào đó bỏ trốn vì vỡ nợ. Năm trước là một chủ tiệm sửa chữa điện tử ở TP. Vũng Tàu. Trước đó nữa là trưởng phòng kinh doanh một DN du lịch có tiếng. Họ bỏ trốn sau khi vay tiền của nhiều người. Ấn tượng chung về 2 người này khi tiếp xúc ban đầu là những người hiền lành, dễ mến. Khi vay tiền bạn bè, họ kể lể hoàn cảnh rất đáng thương: con/cháu/người thân vừa nhập viện điều trị, cần tiền đóng viện phí ngay. Họ không quên hứa hẹn sẽ trả trong vài ngày tới. Sau đó, họ khất lần trả nợ, rồi đến một ngày họ biến mất không rõ tăm hơi!

Có thể những người ấy thực sự gặp khó khăn nào đó trong cuộc sống, cần một khoản tiền để giải quyết. Vì bí bách, họ đi vay nặng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, khi không còn cách nào khác, họ đành tìm đến bạn bè, người thân cầu cứu rồi mất cân đối, không thể trả nợ. Bên cạnh đó, một số người có ý định lừa đảo ngay từ đầu, thậm chí là thành lập DN nhằm huy động vốn với thỏa thuận trả lãi suất cao. Họ dùng tiền để đánh bóng tên tuổi, tạo dựng uy tín bản thân và DN; dùng tiền của chính nạn nhân để trả lãi hoặc dùng tiền của người sau để trả gốc và lãi cho người trước. Đến một giới hạn, họ mất khả năng chi trả hoặc khi gom được số tiền đủ lớn thì bỏ trốn, để mặc nạn nhân khóc ròng giữa đống nợ ngổn ngang. Nạn nhân của những vụ lừa đảo này một phần vì quá tin người, thương người, phần vì ham lãi suất cao .

3. Khi món tiền cho vay có nguy cơ không đòi lại được, có người tặc lưỡi cho qua kiểu “của đi thay người”. Nhưng cũng có nhiều người vì tiếc của đã tìm đến những đối tượng xã hội đen, nhóm đòi nợ thuê nhờ can thiệp dẫn đến vô tình vi phạm pháp luật với các lỗi phổ biến như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây thương tích”… Như vậy, nạn nhân không những vừa mất tiền mà còn có thể vướng vòng lao lý.

Hoạt động vay mượn tiền hoặc huy động vốn bằng hình thức trả lãi suất cao thường diễn ra âm thầm. Các cơ quan chức năng khi biết đến để ra lời cảnh báo hoặc vào cuộc xử lý thì hậu quả thường đã xảy ra, rất khó khắc phục. Do đó, để bảo vệ đồng tiền của mình, tốt nhất mỗi người cần tìm hiểu kỹ về người vay, người huy động vốn, đặt ra các điều kiện ràng buộc và quan trọng hơn là phải thật tỉnh táo trước những lời hứa hẹn lãi suất cao. Ai cũng biết, rất hiếm có ngành nghề kinh doanh nào có thể thu lời hàng trăm phần trăm/năm để trả lãi suất 50-60%/năm cho khoản vay. Nếu ai cũng đủ tỉnh táo, những cái bẫy lãi suất cao sẽ vô tác dụng.

THÙY VÂN

.
.
.