.

Tiêu dùng có trách nhiệm

Cập nhật: 20:53, 24/09/2019 (GMT+7)

Đi trên đường phố Vũng Tàu, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp một vài chiếc “siêu xe” mang biển số 72, mỗi chiếc có giá từ 10-20 tỷ đồng. Ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số xe sang có đến hàng ngàn, nhiều chiếc trong số đó trị giá hàng chục tỷ đồng. 

Báo chí nước ngoài đưa tin, mặc dù mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình trong khu vực nhưng Việt Nam lại là nước tiêu thụ nhiều “siêu xe” nhất Đông Nam Á. Năm 2017, người Việt tiêu thụ 8.670 xe sang, siêu sang các loại. Năm 2018, số lượng xe sang mà người Việt mua là 8.600 chiếc, chiếm phần lớn vẫn là các thương hiệu Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi. Dù đã có sự góp mặt của đủ “anh tài” nhưng số lượng xe sang về Việt Nam vẫn không ngừng tăng. 2 tháng đầu năm 2019 có 25.777 xe nhập khẩu từ các nước với tổng kim ngạch hơn 574 triệu USD. 

Bên cạnh xe sang, mấy năm gần đây người Việt cũng chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho các sản phẩm smartphone cao cấp và hàng hiệu đắt tiền khác. 

Dịp đầu năm 2019, khi làm việc với Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo một vấn đề bất lợi đã xuất hiện, đó là tình trạng nhập siêu. Thủ tướng nói nếu là nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng đắt tiền thì không nên khuyến khích. Như trong tháng 1, cả nước đã nhập khoảng 1 vạn xe ô tô nguyên chiếc, tăng mạnh so với cùng kỳ. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu khắc phục sớm, hướng tới mục tiêu bảo đảm sự lành mạnh trong cán cân xuất - nhập khẩu. Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động dùng khoản ngoại tệ đó đầu tư cho sản xuất kinh doanh hoặc mua xe lắp ráp trong nước, góp phần hỗ trợ sản xuất kết hợp khống chế mức độ nhập siêu. 

Nhiều người cho rằng, tiêu dùng cá nhân góp phần làm cho thị trường mở rộng, kinh tế phát triển, mặt khác đó là tiền do cá nhân họ làm ra. Tuy nhiên, trong khi đất nước còn khó khăn, xã hội còn nhiều người sống trong nghèo khó thì kiểu tiêu xài “vung tay quá trán” là một biểu hiện của sự sa sút về văn hóa tiêu dùng. Đành rằng việc tiêu xài rộng rãi được nhiều người biện hộ đó là quyền tự do của cá nhân, “đó là tiền của tôi và tôi kiếm được nó một cách hợp pháp thì tôi có quyền tiêu”, tuy nhiên, nếu phân tích sâu xa sẽ thấy quyền cá nhân đó lại gây ra nhiều tổn hại, chẳng những làm cho đất nước khó phát triển mà còn tụt hậu so với thế giới. 

Tuy có sự tăng trưởng nhất định, nhưng nước ta vẫn chưa thể thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, khi chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1992. Có nghĩa, nước ta hiện vẫn chưa vượt qua được ngưỡng phát triển, những vấn đề do chủ nghĩa tiêu thụ đặt ra chưa phải là phổ biến và có tính chất gay gắt. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là những mầm mống của một thứ tư duy “tôi tiêu thụ, vậy tôi tồn tại” chưa bén rễ trong một bộ phận dân cư đang giàu lên một cách nhanh chóng, bất bình thường. Trong một xã hội mà đại đa số nhân dân lao động còn phải chật vật mưu sinh thì những hành vi tiêu thụ có tính chất chơi trội, thể hiện đẳng cấp, tiêu xài không phải nhu cầu thực của mình chỉ đào thêm hố ngăn cách giàu nghèo trong cộng đồng. Với một nước nghèo, đang ở ngưỡng cửa của sự phát triển như Việt Nam, bất cứ một hành vi tiêu dùng nào có tính chất đua đòi quá mức cũng đều dẫn đến những hậu quả tai hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt xã hội, đạo đức, môi trường… 

Chủ trương tiết kiệm là quốc sách sẽ trở thành vô nghĩa nếu bản thân mỗi người dân không tự xác định được nhu cầu mua sắm và khả năng thanh toán của mình, cũng như Nhà nước không quán xuyến được hiệu quả các khoản chi tiêu ngân sách. Nếu xử lý vấn đề này không tốt, nền kinh tế sẽ sa vào khuynh hướng tiêu thụ vượt lên khả năng sản xuất và thu nhập, người tiêu dùng sẽ mang công mắc nợ nhiều lần, nền kinh tế không thể tiết kiệm và tích lũy đủ để tái đầu tư phát triển. Bởi vậy, điều đáng sợ nhất không nằm ở chỗ hiện tại còn nhiều thiếu thốn trong tiêu dùng mà chính là chưa có một phương cách khả thi nhằm duy trì và bảo vệ mức tăng trưởng tiêu dùng vững chắc trong tương lai. 

Sự phát triển thực sự của cộng đồng và cá nhân bao giờ cũng là một sự phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các giá trị vật chất, tinh thần, xã hội và môi trường. Nhân danh phát triển để lao vào con đường tiêu thụ một cách mù quáng và trên khả năng thực sự của nền kinh tế, hủy hoại các giá trị xã hội - nhân văn…,  đó thực sự chính là những hành vi phản phát triển. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
.
.
.