"Du lịch mà…"
Nhóm bạn thân của chúng tôi, mỗi năm đều dành cho nhau một khoảng thời gian được tụ họp, dù mỗi người ở một phương trời. Năm nay, chúng tôi đi Phú Quốc, một hòn đảo thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước. Phú Quốc còn biết đến là một hòn đảo khá hoang sơ, cảnh quan môi trường gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng không thiếu những khu vui chơi trải nghiệm hiện đại.
Ấn tượng nhất ở Phú Quốc đối với chúng tôi là khu chợ đêm với đa dạng các loại hải sản và sản vật đặc thù của xứ đảo. Và điều đặc biệt hơn cả là giá cả tại chợ đêm được niêm yết công khai, không có tình trạng “chặt chém”.
Ở chợ đêm Phú Quốc, có một gian hàng khá đặc biệt của ông chủ đến từ nước Pháp với món đậu phộng rang lên đến tận 30 vị khác nhau. Du khách đến du lịch Phú Quốc thường ít khi nào bỏ qua món ăn vặt lạ miếng này. Món ăn vặt nổi tiếng có thương hiệu Chouchou GÉGÉ LA PRALINE chỉ đơn thuần là những hạt đậu phộng được rang giòn, tẩm ướp gia vị béo ngọt, đậm đà nhưng lại lôi cuốn vị giác của những thực khách lần đầu nếm thử. Đặc biệt ở chỗ, đậu phộng Chouchou GÉGÉ LA PRALINE đã có một vị trí đáng nể trong danh mục những món ngon nên thử đối với du khách khi đến Phú Quốc, tạo nên một món độc – lạ đáng để du khách trải nghiệm. Và với cách ông chủ người Pháp đứng ngay tại quầy, biểu diễn chế biến món đậu phộng, cho khách nếm thử sản phẩm của mình cùng với nụ cười rạng rỡ, ánh nhìn trìu mến, khiến không ít du khách có thiện cảm và sẵn lòng móc hầu bao để mua vô số sản phẩm đem về làm quà cho bạn bè ở đất liền.
Phú Quốc, xứ đảo không có lấy một khóm đậu phộng nào được trồng trên đảo, lại có được đặc sản mà bất cứ du khách nào cũng muốn thử! Đó là cả một thành công lớn từ cách tạo dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm và giữ uy tín bằng giá cả ổn định, cách phục vụ chuyên nghiệp. Điều rất đáng học hỏi trong kinh doanh, nhất là đối với những địa phương lấy du lịch làm chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế.
Khi tôi tấm tắc khen về sản phẩm độc lạ này, bạn tôi, dân ngụ cư ở đảo đã tự hào nói: “Du lịch mà… phải thế chớ!”.
Một câu chuyện khác, cũng lại gắn với “Du lịch mà…” nhưng khiến chúng tôi ấm ức cho đến tận khi về tới nhà, kết thúc chuyến đi không mấy vui vẻ. Tới tận lúc này, tôi vẫn còn khó chịu khi cũng mùa du lịch năm nay đã bị “chém đẹp” ở một địa điểm du lịch nổi tiếng tại một tỉnh lân cận. Đã đặt tour trước đó cả tuần ở một khu du lịch ngay mé biển thơ mộng, không chê vào đâu được về cảnh quan, vậy nhưng, khi chúng tôi cần sử dụng đến vật dụng vệ sinh cá nhân thì đều không có; kể cả bàn chải đánh răng, dép lê đi trong phòng và lược chải tóc… Lễ tân đã nói rằng “lỗi của đoàn, không chịu tìm hiểu trước vì xưa nay ở đây giá phòng không bao gồm những vật dụng đó”.
Chúng tôi buộc phải tìm mua những vật dụng thiết yếu ấy tại một cửa tiệm bán hàng tạp hóa cách khu du lịch không xa, biển hiệu của cửa tiệm này có hẳn 3 hàng chữ bằng tiếng Anh, Nga và Việt. Tại đây, chúng tôi đã được “báo giá” một cây lược chải tóc nhỏ, làm bằng vật liệu nhựa với giá 20 ngàn đồng; một đôi dép kẹp nhựa đi trong phòng giá 50 ngàn đồng và một khăn mặt nhỏ với giá 50 ngàn đồng… Cao hơn giá thực tế mà chúng tôi vẫn thường mua đến cả vài lần! Cô bán hàng, khá xinh xắn, không thèm nở lấy một nụ cười khi chúng tôi thắc mắc về giá bán quá đắt của các mặt hàng. Cô gái xinh đẹp, ít cười ấy còn nói: “Du lịch mà…” để biện minh cho mức bán phá giá ấy. Cũng ở địa danh du lịch này, chúng tôi phải mất 2 tiếng đồng hồ chờ chực để được phục vụ bữa cơm trưa.
Cung cách, thái độ phục vụ, ổn định giá cả, không “chặt chém” là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng hình ảnh về du lịch trong mắt du khách. Bởi vậy, đây cũng được coi là “sản phẩm” của địa phương, bên cạnh những sản phẩm mà du khách có thể “cầm, nếm, trải nghiệm” được.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019, Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 21/5/2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, được kỳ vọng khi triển khai sẽ tạo dựng môi trường du lịch văn minh và có trách nhiệm hơn. Với những quy định cụ thể, rõ ràng trong việc xử phạt những hành vi vi phạm trong các hoạt động kinh doanh du lịch là cơ sở quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; chấn chỉnh và kịp thời xử lý dứt điểm những vấn nạn “chặt chém”, chèo kéo và ép giá du khách. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài xử phạt chỉ là biện pháp cuối, quan trọng nhất vẫn rất cần đến nhận thức, hành vi của các chủ cơ sở kinh doanh du lịch, người dân địa phương để xây dựng hình ảnh, môi trường du lịch đẹp đúng nghĩa trong mắt du khách.
SƠN TRÀ