.

Phòng chống thiên tai

Cập nhật: 20:03, 14/08/2019 (GMT+7)

Hạn hán, nắng nóng khốc liệt suốt mấy tháng nay, sông hồ cạn kiệt nước. Thời điểm này, một số địa phương vẫn nắng nóng và khô hạn. Thật nghịch lý, giữa lúc đó, do hoàn lưu bão Wipha - cơn bão số 3 và tác động của giải hội tụ nhiệt đới, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền núi tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh Tây Nguyên, huyện đảo Phú Quốc… mưa lũ dồn dập, nước dâng cao, đe dọa vỡ hồ đập thủy lợi, thủy điện và nhiều tuyến đê. Mưa lũ đang trực tiếp gây tổn thất về người và tài sản. 

Ở Tây Nguyên, nhiều tuyến đường tiếp tục bị cô lập, nhiều làng bản bị nước lũ chia cắt. Ngày 12 và 13/8, sông Krông Ana tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đê bao Quảng Điền bị vỡ, hàng triệu m3 nước có nguy cơ đổ ào xuống nhấn chìm hàng ngàn ha lúa thuộc 2 huyện Krông Ana và huyện Lắk đang vào vụ thu hoạch.

Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an được huy động, cùng người dân dầm mình trong lũ cả ngày 13/8 cứu đoạn đê Quảng Điền bị vỡ. Tại Lâm Đồng, sau sự cố đèo Bảo Lộc bị sạt lở gây ách tắc giao thông, tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng lũ dữ đổ về trong đêm 12/8, lực lượng cứu hộ mắc cáp đưa 40 người thoát lũ dữ. Tại Thanh Hóa, 2 huyện Quan Hóa, Mường Lát lũ quét gần như xóa sạch bản Sa Ná, bản Pá Hộc, nhà cửa, tài sản và nhiều người bị trôi, mất tích. Đến nay, nơi đây mưa lũ vẫn chưa dứt.

Tại BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, vài tuần nay những cơn mưa lớn trút nước, gây ngập úng một số nơi. Kiên Giang, Cà Mau mưa lớn cộng với triều cường, đe dọa vỡ đê bao, nước biển sẽ ào vào nội đồng tàn phá lúa, màu, cây ăn trái. Tuần đầu tháng 8, huyện đảo Phú Quốc, ngập nặng, sân bay “đảo Ngọc” bị tê liệt. Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, khí hậu trên thế giới và ở nước ta ngày càng khốc liệt, thất thường, khó lường. Thực tế tình hình bão tố, lốc xoáy, mưa lũ khác thường năm 2018 và những năm trước tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - quốc gia ven biển - đã minh chứng sống động  nhận định đó. 

Năm 2018, BR-VT mưa lớn, nước một số hồ chứa dâng cao, có thời điểm phải điều tiết lũ để bảo vệ đập. Nhiều ha lúa, rau màu ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, TX. Phú Mỹ bị ảnh hưởng. Năm 2019, dự báo sẽ có nhiều cơn bão đổ vào nước ta, mưa lũ lớn sẽ diễn ra trong cả nước. Rừng bị con người tàn phá, khả năng ngăn lũ tự nhiên là rất thấp, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã cảnh báo mới đây: “Sự tàn phá của trời đất, bởi thiên tai và nhân tai là khủng khiếp, sự hủy diệt từ thiên tai khôn lường”.

Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã chỉ thị, mới đây là công điện nhắc nhở các ngành, các cấp, các địa phương “Quyết liệt phòng chống thiên tai”; “Quyết liệt xây dựng phương án phòng chống bão lũ theo phương châm bốn tại chỗ”; “Các lực lượng vũ trang coi cứu nạn, cứu hộ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng ứng phó cứu dân trong mọi tình huống”; “các ngành, các cấp, các địa phương không để dân chết, dân đói rét do thiên tai, bão lũ”. Bộ NN-PTNT - cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai đã cử các đoàn về địa phương kiểm tra, giám sát tại chỗ công tác phòng chống bão lũ; kiểm tra hệ thống đập hồ thủy điện, thủy lợi, hệ thống đê điều trên các triền sông đề phòng khả năng bị vỡ đê đập; giảm thiểu thiệt hại khi xả lũ các hồ đập xuống vùng hạ lưu. 

Cha ông ta tổng kết: Thủy, hỏa, đạo tặc - sau lũ lụt mới đến hỏa hoạn, thứ đến là trộm cướp, ngoại xâm. Đó là 3 mối nguy hủy diệt cuộc sống con người, thủy tặc được đặt lên hàng đầu. Quyết liệt phòng chống thiên tai - thủy tặc không bao giờ được phép lơ là, chủ quan đối với thủy tặc. Giảm thiểu thấp nhất mọi thiệt hại do thiên tai; thiên tai không ngăn được sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Coi trọng “phòng” hơn “chống”, “phòng” đi đôi với “chống”. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống!

HẢI VÂN

 

.
.
.