Xử lý "ma"!
Hôm qua 15/8, nhiều cơ quan báo chí đăng tải, phát sóng thông tin: Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc số 7184 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến các vi phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba trong thời gian qua, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực ngay lập tức được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Bởi, trong thời gian qua, tính chất, mức độ vi phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ TP.Hồ Chí Minh đã lan rộng ra các tỉnh Đồng Nai, BR-VT và Bình Thuận. Có nơi, hàng chục dự án “ma” mang tên Alibaba được rao bán. Riêng tại tỉnh BR-VT, 7 dự án “ma” do Công ty CP Địa ốc Alibaba rao bán, phân phối nền đã được “thiết lập” gần 2 năm qua tại TX.Phú Mỹ. Tính đến tháng 10/2018, Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bán 3.333 nền đất của các dự án “ma” tại TX.Phú Mỹ với tổng trị giá khoảng 1.192 tỷ đồng, đã thu về số tiền hơn 771 tỉ đồng.
Nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, ngày 13/6, UBND TX.Phú Mỹ đã thực hiện việc cưỡng chế xử lý sai phạm về san ủi đất nông nghiệp và phân lô, bán nền trái phép tại khu đất khoảng 8ha ở ấp 3, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ được Công ty CP Địa ốc Alibaba rao bán, phân phối đất nền dưới tên gọi Dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 và Dự án Alibaba Tóc Tiên Riverside. Tiếp đến, ngày 22/7, UBND TX.Phú Mỹ thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ TP.Hà Nội) trên diện tích 24.500m2 tọa lạc tại xã Châu Pha, được Công ty CP Địa ốc Alibaba phân phối đất nền dưới tên “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”. Việc xử lý cưỡng chế 2 dự án “ma” này được nhiều người khắp nơi trên cả nước đồng thuận, ủng hộ. Có những bình luận trên các trang mạng xã hội hoan nghênh chính quyền địa phương đã ra tay xử lý “ma” bất động sản gây ra những hệ lụy về quản lý đất đai, an ninh trật tự trên địa bàn.
Một thông tin khác liên quan tới xử lý “ma” giang hồ cũng tạo được sự ủng hộ tích cực của dư luận xã hội. Đó là sự kiện sáng 13/8, Quang Rambo (Đỗ Văn Quang, sinh năm 1984, trú phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng đồng bọn đã bị Đội Cảnh sát đặc nhiệm Công an TP.Hà Nội bắt giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Quang Rambo là giang hồ cộm cán, xăm trổ đầy người, nổi tiếng trên mạng xã hội qua những clip đòi nợ, khoe tiền và kể về cuộc sống của giới giang hồ. Ngoài hoạt động bảo kê tại các nhà hàng, vũ trường, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, Quang Rambo còn cung cấp số lô đề tại địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý, hôm 11/8, Quang Rambo quay clip livestream trên Facebook cá nhân quảng bá casino sắp khai trương tại một khách sạn ở TP.Vũng Tàu và cho biết sẽ “làm việc” trong sòng bạc này. Nhưng “ma” giang hồ Quang Rambo chưa kịp thực hiện việc “di trú” về Vũng Tàu hoạt động thì đã bị Công an Hà Nội bắt giữ.
Trong đời sống thực, từ “ma” được sử dụng để chỉ bản chất của sự vật, sự kiện, hiện tượng mang ý nghĩa tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng xã hội, như: “ma túy” không chỉ làm hại ngay chính bản thân người sử dụng, mà còn tạo ra ảo giác không kiểm soát được hành vi có thể tấn công gây hại tới sức khỏe, tính mạng của người khác; “ma giang hồ” gây bất ổn trật tự xã hội; các dự án “ma” làm cho nhà đầu tư mất tiền thật, ôm lô đất ảo, ảnh hưởng tới sự minh bạch của thị trường bất động sản… Do đó, những con “ma” gây hại cho đời dạng này cần phải được cộng đồng xã hội phê phán, cơ quan chức năng sớm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật.