Gieo yêu thương, lan tỏa "hoa" đẹp
Bão Wipha - cơn bão số 3 đầu tháng 8/2019 gây mưa lũ cực lớn ở 2 huyện miền núi Quan Hóa và Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị lũ quét tan hoang; Bản Sa Ná, huyện Quan Hóa lũ dữ quần tan nát, bị cô lập hoàn toàn, nhiều người bị nước cuốn trôi. Ông Lương Văn Chon là 1 trong số 15 nạn nhân mắc kẹt trên ngọn cây giữa lũ dữ sông Luồng. Nhiều phương án cứu hộ đưa ra nhưng không đem lại hiệu quả, do nước lũ cuốn theo cây cối chảy quá xiết.
Tình huống cấp bách, lực lượng cứu hộ quyết định cắt dây cáp điện bắc qua sông. Giữa dòng nước xoáy, chàng trai Phạm Bá Huy, 26 tuổi, xung phong vượt dòng nước lũ cứu người. Cứu được ông Chon thì dây cáp bị đứt, không còn cách nào vào bờ, đến lượt chàng trai Phạm Bá Huy bị mắc kẹt trên ngọn cây, khi trời đang dần tối, nước lũ vẫn đổ về và dâng cao. Phạm Bá Huy quyết định lao ra dòng nước lũ bơi vào bờ, nếu không khó giữ được tính mạng. Ôm theo can nhựa, anh bơi theo dòng lũ khoảng 400 mét thì tiếp bờ an toàn, đói và lạnh cóng. Phạm Bá Huy đã nêu tấm gương sáng - một bông hoa đẹp lung linh giữa đời thường, dũng cảm quên thân cứu người trong lũ dữ; ngày 6/8 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng anh Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.
Ở xã Nhi Sơn, Trưởng công an xã Thao Văn Súa, 33 tuổi, nhanh như con thoi, bất chấp mưa lũ, trong đêm tối, lao mình từ bản này qua bản khác vào lũ cứu dân đã bị đất đá vùi lấp và hy sinh. Anh đã nêu tấm gương sáng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, được Trung ương Đoàn truy tặng “Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm”. Thao Văn Súa đang được địa phương đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ. Còn nhớ, dạo trước, tại phường Phố Mới, TP. Lào Cai, khi cơn lũ đang đổ về, chàng trai Lê Văn Lượng nghe tiếng kêu cứu đã ào nhảy xuống sông bơi vào dòng lũ kịp cứu sống cô gái trẻ đang chới với trôi theo dòng nước. Bà con khu phố ở Lào Cai hết lời ca ngợi, cảm phục hành động quên thân của anh.
Trong cuộc sống, trong bao gian khó, hiểm nguy, cận kề cái chết đã và đang xuất hiện mỗi ngày nhiều tấm gương sáng như Phạm Bá Huy, Thao Văn Súa, Lê Văn Lượng... Họ là “những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp” ngát hương thơm tô thắm cho đời, làm lay động bao trái tim. Dù vậy, bên cạnh những điều tốt đẹp, xã hội còn không ít biểu hiện lối sống vị kỷ, bon chen, co lại, thu vén. Mới đây, mạng xã hội đã phẫn nộ lên án sự vô cảm của một số người nào đó, khi thấy người bị tai nạn hất tung lên vỉa hè, nhưng lái xe thì vô cảm “lẳng lặng bỏ đi”, người tham giao giao thông ngoảnh mặt làm ngơ. Hoặc khi có một chiếc xe chở bia bị nạn, không phải ai cũng cứu giúp, thậm chí có kẻ tranh thủ “hôi bia” mang về nhà (!). Một số người chứng kiến đã thốt lên trên mạng xã hội: “Không lẽ cuộc đời này người ta đang vô cảm đến vậy?”. Không, đó chỉ là số ít, nhưng không thể không cảnh báo. Đặt trong bối cảnh đó, càng thấy hành động dũng cảm lao mình xuống dòng nước lũ cuồn cuộn cứu người như các anh Phạm Bá Huy, Thao Văn Súa, Lê Văn Lượng… mới đáng nể trọng và thật đáng yêu.
Gieo yêu thương và sẻ chia, sẵn sàng hy sinh thân mình cứu người lúc hoạn nạn sẽ càng tôn cao giá trị cuộc sống đẹp. Bồi dưỡng lòng nhân ái, sống vì người chính là phẩm chất, đạo đức làm người. Ngày 6/8/2019, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những biểu hiện đẹp của cuộc sống. Thủ tướng nhìn nhận: “Việc dạy chữ được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy người và giáo dục đạo đức lối sống trong các nhà trường vẫn còn bất cập. Thầy cô giáo mẫu mực là tấm gương đạo đức quý giá để học sinh noi theo”. Một lần khác, Thủ tướng nhắc nhở: “Hãy gieo mầm yêu thương con người. Xã hội ta có nhiều tấm gương đẹp, cần không ngừng lan tỏa cái tốt, cái đẹp”!
Học tập và lan tỏa yêu thương những tấm gương sáng quên mình cứu dân, biết sống“Mình vì mọi người”, bắt đầu từ lứa tuổi thiếu niên. Sẵn sàng hy sinh cho cuộc sống bình yên của cộng đồng đơm hoa kết trái cũng là cách “Gieo mầm yêu thương”.
HẢI VÂN